Cầu Bạch Đằng sau khia khánh thành, đưa vào khai thác sẽ rút ngắn quãng đường từ TP.Hạ Long đi Hà Nội từ 180km xuống còn 130km
|
Sáng nay (20/8), trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/8/2018, dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng theo hình thức PPP sẽ chính thức khánh thành, đưa vào khai thác sử dụng.
Theo ông Hòa, hiện nay, tất cả hạng mục chính của dự án đã hoàn thiện, các nhà thầu đang triển khai thi công hệ thống đảm bảo ATGT, sơn kẻ vạch, lớp tạo nhám mặt đường, khe co giãn,… “Dự kiến đến ngày 25/8, các hạng phụ trợ của dự án sẽ hoàn thành toàn bộ, đảm bảo điều kiện khánh thành, đưa dự án vào khai thác sử dụng”, ông Hòa khẳng định.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao thông cuối tuyến có chiều dài 5,4km, rộng 25m, thiết kế bốn làn xe, vận tốc tối đa 100 km/giờ. Riêng cầu Bạch Đằng dài 3km, kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng 250m, cao 48,4m, chịu được động đất cấp 8. Cầu có ba trụ tháp, trụ tháp giữa cao 99,74 m, trụ tháp hai bên cao 94,5 m với bốn nhịp cầu dây văng.
Dự án có tổng mức đầu tư 7.662 tỷ đồng, do liên danh Công ty CP Đầu tư Cái Mép, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi, Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1), Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Công Thành, Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Trung Nam, Tập đoàn SE (Nhật Bản) làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.
Được biết, dự án cầu Bạch Đằng sau khi hoàn thành và đi vào khai thác sẽ góp phần hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh), nối liền TP.Hải Phòng với Quảng Ninh và rút ngắn quãng đường từ TP.Hạ Long đi Hà Nội từ 180km như hiện nay xuống còn 130km với thời gian đi bằng ô tô giảm từ 3,5 tiếng đồng hồ xuống còn 1,5 tiếng.