admin

Cách đây 5 năm, vụ án mua bán tàu tại Công ty Vận tải Biển Đông (Cty Biển Đông) được xét xử đã gây sự chú ý cũng như tốn không ít giấy mực của các cơ quan ngôn luận. Tuy nhiên, sau khi xét xử phúc thẩm, Bản án sơ thẩm số 79/2014/HSST ngày 28/2/2014 của TAND TP Hà Nội đã bị hủy.

Vụ án tại Công ty Vận tải Biển Đông: Có vi phạm tố tụng?

 

Nhiều bị cáo kháng cáo, kêu cứu

Sau khi bản án sơ thẩm số 79 bị hủy, nhiều bị cáo liên quan trong vụ án đã làm đơn kháng cáo, trong đó có ông Ngô Văn Nhuận (nguyên Phó kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước khu vực 7). 

Theo các bị cáo, ngày 16/12/2005, Bùi Quốc Anh, Giám đốc Cty Biển Đông ký tờ trình đề nghị TCty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) phê duyệt chủ trương lập dự án mua tàu chở dầu sản phẩm cũ có tải trọng từ 20.000 đến 55.000 DWT.

Ngày 20/12/2005, Vinashin có văn bản đồng ý cho Cty Biển Đông mua 01 tàu chở dầu đã qua sử dụng với quy định: Tuổi tàu dưới 10 tuổi, nơi đóng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, trọng tải từ 20.000 đến 55.000 DWT. 

Theo đó, Cty biển Đông đã thuê Cty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy (Cty VFC) lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) và thỏa thuận khi nào dự án được phê duyệt và Cty Biển Đông mua được tàu thì mới làm thủ tục thanh toán tiền cho VFC. Tháng 5/2006, dự án được lập xong và bàn giao cho Cty Biển Đông để trình Vinashin phê duyệt. 

Ngày 24/5/2006, Chủ tịch HĐQT Vinashin ký quyết định phê duyệt BCNCKT dự án mua tàu chở dầu sản phẩm cũ, với tổng mức đầu tư 37.499.066 USD, trong đó hạng mục lập BCNCKT là 94.180 USD. Theo hợp đồng số 01/2006/VNSS-VFC ký ngày 5/1/2006, hai bên thống nhất giá trị hợp đồng cho BCNCKT là 1.504.531.906đ (bao gồm VAT – mức giá đảm bảo 100% giá trần do Nhà nước qui định). Ngày 5/10/2006, ông Anh và ông Hoàng Gia Hiệp – Phó Tổng giám đốc VFC ký Biên bản nghiệm thu và quyết toán hợp đồng đã ký.

Ngày 4/12/2006, Cty Biển Đông đã chuyển trả vào tài khoản cho VFC đủ số tiền đã ký trong hợp đồng. Điều đáng nói là sau khi VFC ký hợp đồng BCNCKT với Cty Biển Đông ngày 5/1/2006 xong, ngày 10/1/2006 bên VFC mới ký Hợp đồng số 01/2006/TMN-VFC với Công ty TNHH Tân Minh Nguyệt (Cty TMN) có trụ sở tại 304 đường Trần Khát Chân – Hà Nội do ông Bùi Tiến Hải là Giám đốc để thực hiện một phần BCNCKT trong khuôn khổ lập dự án đầu tư mua tàu Energy có tổng giá trị hợp đồng là 1.155.000.000đ. Sau đó, các ngày 5/9/2006 đến 13/2/2007, VFC đã chuyển đủ số tiền trên vào số tài khoản của Cty TMN.

Sau khi tàu Energy được mua về và đưa vào hoạt động đã mang lại hiệu quả cao, sau 2 năm kinh doanh đã bán lại cho nước ngoài thu về lợi nhuận hơn 10 triệu USD; trong các năm 2006, 2007 và 2008 Cty Biển Đông tiếp tục làm tờ trình, công văn đề nghị Vinashin duyệt chủ trương mua tàu chở dầu và vận chuyển container và cho phép Cty Biển Đông được lập BCNCKT đối với tàu Victory (47.084 DWT, tàu Vạn Hưng (7.032 DWT), tàu Melody (45.937 DWT), tàu Biển Đông Star (9.108 DWT). Theo đó, đều đã được Vinashin phê duyệt. 

Để giảm chi phí, Cty Biển Đông đã thuê trực tiếp Cty TMN làm BCNCKT cho 4 tàu trên bằng 4 hợp đồng BCNCKT, với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng.

Điều đáng quan tâm là 4 hợp đồng này đều được Cty Biển Đông ký với Cty TMN với giá trị chỉ bằng 70% mức giá trần do Nhà nước qui định trong việc chi phí cho BCNCKT đối với việc mua sắm tàu biển.

Khi các thủ tục mua 4 con tàu hoàn tất, Cty Biển Đông đã làm thủ tục nghiệm thu và quyết toán chuyển tiền vào số tài khoản của Cty TMN cũng là số tài khoản mà VFC đã chuyển tiền hợp đồng BCNCKT tàu Energy của Cty TMN trước đó. Tuy nhiên không hiểu sao, sau đó Cơ quan ANĐT (Bộ Công an) ký quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Tham ô tài sản”  để điều tra. 

Sao phải hủy án sơ thẩm?

Sau khi TAND TP Hà Nội tuyên Bản án số 79/2014/HSST ngày 28/2/2014, tất cả các bị cáo đều làm đơn kháng cáo và kêu oan, cho rằng: Số tiền mà các bị cáo nhận từ VFC, hay Cty TMN là tiền công sức viết lập dự án BCNCKT và không bên nào bị thiệt hại mà đã đem lại lợi ích cho Nhà nước hơn 1 tỷ đồng do ký hợp đồng thấp hơn 30% so với qui định của Nhà nước. 

Ngày 11/7/2014, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đưa vụ án ra xét xử đã tuyên hủy các quyết định của bản án sơ thẩm và trả lại hồ sơ cho VSKND TP.Hà Nội giải quyết theo thủ tục chung với lý do: Việc điều tra chưa đầy đủ, vụ án không có thiệt hại, không có nguyên đơn dân sự …

Trong vụ án này, Tòa sơ thẩm đã dựa trên những căn cứ để truy tố các bị cáo được cho rằng: Sau khi Cty Biển Đông mua được tàu Energy, Hoàng Gia Hiệp gặp Bùi Quốc Anh tại Cty Biển Đông đề nghị thanh toán tiền lập BCNCKT đã ký kết. Anh đặt vấn đề được Hiệp đồng ý là Cty Biển Đông sẽ chuyển đủ số tiền 1,5 tỷ đồng như trong hợp đồng, nhưng sau khi trả tiền cho VFC thì VFC phải rút ra 750.000.000đ chuyển trả cho Cty Biển Đông. 

Để hợp thức việc rút tiền chuyển trả cho Cty Biển Đông các bị cáo Anh, Hiệp, Thủy ký hợp đồng khống với nhà thầu phụ rồi chuyển tiền cho Cty Biển Đông qua nhà thầu phụ (chính là Cty TMN). Cơ quan ANĐT cũng cho rằng Anh đã thống nhất với Thủy phối hợp với Hiệp. 

Thủy đã nhờ Ngô Văn Nhuận (là kiểm toán viên đã có thời gian kiểm toán tại Cty Biển Đông) tìm đơn vị có tư cách pháp nhân ký hợp đồng nhằm hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ thanh toán cho dự án thực hiện rút tiền cho Cty Biển Đông.

Nhuận đã nhờ được Nguyễn Minh Ngọc, là bạn học cũ tại Trường Đại học Tài chính Kế toán mua hóa đơn GTGT. Sau đó Ngọc có nhờ Nguyễn Thúy Hạnh và Hạnh nhờ một người có tên là Thành, làm nghề buôn bán, kinh doanh ngoài chợ Hòa Bình (chợ Trời) mua hóa đơn và đóng dấu hợp thức hóa. 

Thành đã cấp cho Hạnh giấy đăng ký kinh doanh của Cty TMN để chuyển cho Hiệp ký Hợp đồng khống số 01/2006/TMN-VFC ngày 10/1/2006 với giá trị 1.155.000.000đ. VFC đã chuyển tiền cho Cty TMN qua tài khỏa. Tài khỏa này do Nhuận nhờ Ngọc mở để Nhuận rút tiền cho VFC và chia nhau…

Cũng theo bản án sơ thẩm thì đối với BCNCKT của 4 con tàu mua sau, các bị cáo đã tìm đơn vị có tư cách pháp nhân ký hợp đồng BCNCKT, nhằm hợp thức hóa hồ sơ thanh toán, rút tiền đề ngoài sổ sách, chi ngoại giao cho Cty Biển Đông.

Đối với Cty TMN là công ty có thật, do ông Bùi Tiến Hải làm giám đốc, công ty này không có chức năng tư vấn, lập dự án BCNCKT mua bán tàu. Các đối tượng hợp thức bằng giấy tờ giả, gồm: Giấy đăng ký kinh doanh của Cty TMN, giấy tờ đề nghị thanh toán TMN, hóa đơn GTGT mà VFC sử dụng làm thủ tục thanh toán cho Cty TMN là hóa đơn Cty TMN báo mất, các tài liệu trên đều là giả do Nguyễn Thúy Hạnh trú tại quận Hai Bà Trưng, thông qua đối tượng Thành (buôn bán ở chợ Trời) làm giả. Tài khoản mang tên Cty TMN là do Ngô Văn Nhuận yêu cầu Nguyễn Minh Ngọc mở, giả danh Cty TMN để nhận tiền và rút tiền do VFC chuyển sang…

Bỏ lọt “nhân vật” quan trọng?

Bản án phúc thẩm số 336/2014/HSPT ngày 17/11/2014, đã chỉ rõ nhiều thiếu sót trong việc đưa ra chứng cứ buộc tội các bị cáo, việc đánh giá chủ thể bị thiệt hại chưa đúng, cơ quan điều tra, truy tố đã  không tiến hành lấy lời khai của người đại diện hợp pháp của Cty Biển Đông và VFC theo qui định của Bộ luật tố tụng hình sự để xác minh làm rõ số tiền thiệt hại là thiếu sót nghiêm trọng… 

Tuy nhiên, với những tài liệu thu thập được cho thấy việc bỏ lọt nhiều tội danh trong đó đáng lưu ý nhất là nhân vật Nguyễn Tiến Dũng. Trong các biên bản ghi lời khai của các nghi phạm để phục vụ điều tra, đáng lưu ý là biên bản lấy lời khai của một nhân vật có tên Nguyễn Tiến Dũng – một cổ đông quan trọng trong Cty TMN.

Theo đó, về việc mua bán hóa đơn, thiết lập khống chứng từ cho BCNCKT để mua tàu Energy cũng như 4 tàu khác đều có khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2008. Tuy nhiên để xác định có vấn đề giả mạo và xuất khống hóa đơn, có sự liên kết “mua bán hóa đơn” của Ngô Văn Nhuận hay không thì “mắt xích” quan trọng nhất ở đây phải xác định là cá nhân Nguyễn Tiến Dũng chứ không phải Bùi Tiến Hải như cáo trạng đã đưa ra.

Trong Biên bản ghi lời khai được Cơ quan ANĐT Bộ Công an thực hiện vào ngày 19/03/2013 đối với Nguyễn Tiến Dũng, được thể hiện ở các bút Dũng đã khai thực tế Bùi Tiến Hải đã rút khỏi Cty TMN từ tháng 6 năm 2006. Theo lời khai của Dũng, từ thời gian này, chỉ có Dũng và một người phụ nữ tên Ty làm chủ và thời gian này Dũng là người trực tiếp điều hành toàn bộ Cty TMN. 

Vấn đề đặt ra là, trong khoảng thời gian này đã xuất hiện nhiều hóa đơn chứng từ mua khống có đăng ký của Cty TMN để phục vụ cho cái gọi là hợp thức chứng từ hóa đơn để “rút tiền” của các cá nhân liên quan bị truy tố trong vụ án này. Do đó, việc có mua bán hay giả mạo chứng từ của Cty TMN lúc này chỉ có Nguyễn Tiến Dũng có thể lý giải và làm sáng tỏ được. 

Tuy nhiên, không hiểu sao đã không được “truy” đến nơi và đưa vào hồ sơ truy tố mà lại cho rằng các bị cáo đi mua hóa đơn của một người tên là “Thành” ở chợ Trời (mặc dù sau này CQĐT đã xác nhận ở chợ Trời không có người tên “Thành”)

Vụ án có dấu hiệu vi phạm tố tụng hay không? Văn phòng Luật sư Lô – Dơ – By (thuộc Đoàn luật sư Hà Nội) cũng đã đưa ra những phân tích: Sự việc xảy ra tại Cty Biển Đông (trong đó có bị cáo Ngô Văn Nhuận) liên quan đến việc ký hợp đồng lập BCNCKT các dự án mua tàu cũ Energy và 4 tàu sau đó là các hoạt động kinh tế, dân sự bình thường.

Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề thể hiện những sai phạm về thủ tục tố tụng liên quan đến giải quyết vụ án, trong đó đáng lưu ý nhất là: Nếu vụ án này là có thật thì dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thể hiện rất rõ trong hồ sơ vụ án, nhất là những nội dung có liên quan đến 5 hóa đơn GTGT của Cty TMN xuất cho Cty Biển Đông.

Dấu hiệu tội phạm này có liên quan đến Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Thúy Hạnh mà hai người này lại không bị khởi tố, điều tra, truy tố xét xử, trong khi kết luận điều tra, cáo trạng và bản án đều nêu rõ: Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Thúy Hạnh còn có hành vi đồng phạm giúp sức cùng Bùi Quốc Anh, Đỗ Thị Bích Thủy, Ngô Văn Nhuận hợp thức hóa hồ sơ mang tên Cty TNM để ký hợp đồng với VFC và Cty Biển Đông. Tại sao lại như vậy?.

Cũng theo Văn phòng Luật sư Lô – Giơ – Bai, TAND TP.Hà Nội không xác định tư cách tham gia tố tụng của Cty TMN nên đã không triệu tập người đại diện công ty này đến phiên tòa xét xử.

Nội dung chính vụ án này xoay quanh Cty Biển Đông và Cty TMN, cho dù cơ quan tiến hành tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử đều cho rằng Cty TMN không có liên quan đến vụ án, nhưng các tài liệu của vụ án như các Giấy ĐKKD của Cty TMN dùng để soạn thảo hợp đồng; con dấu mang tên Cty TMN đóng trên hợp đồng; Biên bản nghiệm thu thanh quyết toán hợp đồng; giấy đề nghị thanh toán của Cty TMN; chữ ký mang tên Bùi Tiến Hải, Giám đốc Cty TMN; các hóa đơn giá trị gia tăng…đều mang tên Cty TMN thì tại sao không đưa Cty TMN là bị đơn dân sự trong vụ án này? Việc không đưa Cty TMN tham gia tố tụng là vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án.

 

13/05/2019
PLO_logo

Vụ án tại Công ty Vận tải Biển Đông: Có vi phạm tố tụng?

Cách đây 5 năm, vụ án mua bán tàu tại Công ty Vận tải Biển Đông (Cty Biển Đông) được xét xử đã gây sự chú […]
02/05/2019

Thua lỗ tiếp tục ‘nhấn chìm’ ngành vận tải biển

Bán trụ sở, bán tàu nhưng nhiều công ty vẫn chưa đủ để trả hết khoản nợ tồn đọng.               […]
02/05/2019
logo

Tìm lối ra cho ngành đường sắt – Bài 3: Kết nối để giảm chi phí logistics

Nhiều nước trên thế giới xác định ngành đường sắt có vai trò xương sống trong giao thông vận tải, là yếu tố quan trọng giúp […]
02/05/2019
logo_CongThuong

Ăn nên làm ra nhờ vận tải tuyến pha sông biển Bắc – Nam

Từ con số 0, tuyến vận tải ven biển dành cho tàu pha sông biển VR-SB kết nối Bắc Nam sau 4 năm mở tuyến, đội […]