Việt Nam là quốc gia ven biển với diện tích biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán rộng hơn 3 lần diện tích đất liền. Từ hàng nghìn năm nay, người dân Việt Nam sinh sống ở các vùng ven biển đã dựa vào biển, vươn khơi bám biển để mưu sinh và cũng trở thành những chứng nhân lịch sử, những cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển trở thành chiến lược của nước ta.
Tuy nhiên, biển cả thì bao la. Các ranh giới trên biển khó nhận biết hơn nhiều so với trong đất liền. Bởi vậy, đòi hỏi mỗi ngư dân cần được trang bị kiến thức đầy đủ, toàn diện về luật pháp Việt Nam, nhất là Luật Biển Việt Nam; luật pháp và thông lệ quốc tế để phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nắm vững hệ thống pháp luật không những để bảo vệ quyền lợi của bản thân, gia đình mà còn chủ động tham gia bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển.
Những năm gần đây, các địa phương đã chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến và ngư dân cũng rất chủ động, tích cực tìm hiểu chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là ở những vùng ven biển, hải đảo. Do vậy, đa số ngư dân chấp hành nghiêm luật pháp quốc gia cũng như luật pháp quốc tế, phối hợp tốt với các lực lượng thực thi pháp luật của nước ta trên biển. Thế nhưng, vẫn còn một số ít ngư dân vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có nguyên nhân chủ quan là mải rong ruổi theo luồng cá nên vô tình tiến vào vùng biển thuộc quyền tài phán của nước bạn, dẫn tới nhiều tình huống pháp lý phức tạp; hoặc đánh bắt cá ở những luồng tuyến hàng hải quốc tế dẫn tới nguy cơ mất an toàn hàng hải. Vì vậy, cùng với việc nắm vững pháp luật, ngư dân cần phải tăng cường sự thận trọng và ứng xử trách nhiệm để tránh gây thiệt hại cho bản thân và gia đình, ảnh hưởng đến công tác đối ngoại.
Cũng vì biển cả mênh mông nên việc giám sát các hoạt động trên biển là không dễ dàng, đòi hỏi phải có đủ lực lượng, phương tiện và cách thức phù hợp. Được biết, cách đây vài năm, nước ta đã thực hiện dự án trang bị thiết bị định vị vệ tinh cho các tàu, thuyền của 28 tỉnh, thành phố ven biển. Khi lực lượng chức năng được trang bị hệ thống hiện đại theo dõi, định vị toàn bộ tàu, thuyền Việt Nam hoạt động trên biển thì sẽ trợ giúp rất đắc lực cho ngư dân. Điều này cũng góp phần nâng cao tính hiệu quả của hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra-những hoạt động rất dễ mang tính hình thức bởi việc giám sát, thanh tra, kiểm tra thực địa trên biển là cực kỳ khó khăn.
Ngư dân hoạt động trên biển phải đối mặt với không ít khó khăn, nguy hiểm. Nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ ngư dân yên tâm vươn khơi để vừa phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo đảm an ninh, quốc phòng trên biển. Do vậy, các cơ quan hữu quan cần đặc biệt quan tâm đến yêu cầu thực hiện chính sách, pháp luật trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, cần phân tích, đánh giá những mặt làm được, những việc còn phải khắc phục để hỗ trợ ngư dân tốt hơn.