Trong văn bản chất vấn, đại biểu Trần Văn Minh nêu vấn đề, trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, dư luận xôn xao về số lượng phế liệu nhập khẩu tồn lưu tại cảng liên tục gia tăng. Tính đến tháng 9/2018, có tới hơn 15.000 container tồn lưu của 274 tổ chức đứng tên, trong đó có đến 58% các đơn vị không có chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu.
Cử tri, nhân dân rất lo lắng về sự cố môi trường tiềm tàng với số phế liệu này vì nhiều loại phế liệu không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường, không loại trừ cả các loại rác thải nguy hại.
Đại biểu muốn biết kết quả xử lý số phế liệu tồn lưu này đồng thời yêu cầu Thủ tướng chỉ rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan, kể từ việc cấp phép, quản lý cấp phép, quản lý nhập khẩu, thông quan… để rút kinh nghiệm, không tái diễn các vụ việc tương tự.
Văn bản trả lời của lãnh đạo Chính phủ nêu nhận định, trong những năm qua, xuất phát từ thực tế do nguồn nguyên liệu, phế liệu trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu của một số ngành sản xuất nên việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài về Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất là một nhu cầu thực tế, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam.
Công tác quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, hải quan, chất lượng sản phẩm hàng hóa, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải, ngoại thương… Do vậy, việc quản lý phế liệu nhập khẩu có sự tham gia của nhiều bộ, ngành như các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ,… cùng với các cơ quan chuyên môn của địa phương.
Xác nhận việc thời gian qua, tại các cảng biển của Việt Nam đã xảy ra tình trạng tồn đọng các container phế liệu, tác động xấu đến hoạt động của các ngành sản xuất cũng như nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Thủ tướng cho rằng, để giải quyết các vấn đề bất cập trong nhập khẩu phế liệu, Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Cụ thể, ngày 25/7/2018, Thường trực Chính phủ đã họp về công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trong đó yêu cầu các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu (là các địa phương có cảng biển có số lượng lớn phế liệu tồn đọng) thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng tồn đọng tại các cảng biển; tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ, tốt hơn việc nhập khẩu phế liệu trong thời gian tới, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; đánh giá toàn diện công tác cấp Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan tập trung lực lượng cho thông quan nhanh các lô hàng phế liệu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân đã có Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực và hạn ngạch nhập khẩu.
Bộ Công Thương rà soát, áp dụng hoặc đề xuất áp dụng biện pháp tạm ngừng hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa là phế liệu vào lãnh thổ Việt Nam phù hợp với tình hình thực tế.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các làng nghề tái chế phế liệu; cương quyết đình chỉ, không cho phép hoạt động đối với các làng nghề tái chế gây ô nhiễm môi trường; ngăn chặn việc đưa phế liệu nhập khẩu vào các cơ sở tái chế, sản xuất chưa được cấp Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu tại các làng nghề.
Bộ Tài chính áp dụng biện pháp ngăn chặn từ xa, không cho dỡ hàng xuống cảng đối với các lô hàng phế liệu khai báo tên người nhận hàng không thuộc danh sách tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất hoặc đã được cấp nhưng hết hiệu lực, hết hạn ngạch còn được phép nhập khẩu và chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, tính đến tháng 12/2018, tổng lượng container có tên khai báo trên Emanifest là phế liệu đang lưu giữ tại cảng biển gồm 18.861 container. Trong đó, lượng container lưu giữ dưới 30 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu là 7.815 container, lượng container lưu giữ từ 30 – 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu là 1.751 container, cơ quan hải quan đang phối hợp với các hãng tàu để thông báo, mời các doanh nghiệp đến làm thủ tục hải quan theo quy định.
Đối với các container hàng hóa tồn đọng quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu, sau khi hết thời gian thông báo tìm chủ hàng, cơ quan hải quan đã thực hiện kiểm kê phân loại hàng hóa.
Đối với các container hàng hóa tồn đọng quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu không có người đến nhận, sau khi thực hiện kiểm kê, phân loại và xác định được hàng hóa là chất thải, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, cơ quan hải quan kiên quyết yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật liên quan đến xử lý hàng hóa tồn đọng.