Cầu Bình Lợi mới đang được nhà đầu tư xây dựng, khi dự án hoàn thành vào tháng 9/2018, sà lan trên 300 tấn có thể lưu thông – Ảnh: Phan Tư |
Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc (dự án đường thủy đầu tiên thực hiện theo hình thức BOT) sẽ đưa vào khai thác cuối năm 2018. Dự kiến, sau khi hoàn thành sẽ tăng thị phần vận tải bằng đường sông, giảm tải cho đường bộ.
Hoàn vốn cách nào?
Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc là dự án đường thủy đầu tiên thực hiện theo hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.300 tỷ đồng, chi phí xây dựng trên 838 tỷ đồng. Trong đó, phần quan trọng nhất là thi công mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền của cầu hiện nay từ 1,5m lên 7m.
Sau khi công trình hoàn thành sẽ cho phép sà lan trên 300 tấn lưu thông từ Bình Dương về các cảng ở TP.HCM, giảm áp lực cho giao thông đường bộ. Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ tiến hành thu giá các phương tiện trên 300 tấn lưu thông trên sông Sài Gòn từ cảng Bến Súc về để hoàn vốn cho dự án.
Theo Thông tư 80/2015 của Bộ Tài chính quy định về mức thu giá đối với dự án cho phép thu 70 đồng/tấn/km. Các phương tiện không phải là phương tiện chở hàng hóa sẽ được quy đổi 1 mã lực tương đương với 1 tấn tải trọng toàn phần. Với phương tiện chở khách, 1 giường nằm tương đương với 6 ghế hành khách hoặc tương đương 6 tấn tải trọng toàn phần. Thời gian thu là 20 năm 9 tháng để nhà đầu tư hoàn trả vốn.
Hình thức thu được tiến hành là nhờ các cảng vụ thu hộ khi các phương tiện này cập cảng. Các đơn vị thu thực hiện hợp đồng với nhà đầu tư và được giữ lại 3,3% trên tổng số tiền phí thu được để chi cho công tác tổ chức thu.
Chẳng hạn một sà lan 300 tấn từ Cát Lái lên cảng Bến Súc (Bình Dương) sẽ phải đóng 99.000 đồng phí và lệ phí ra vào cảng (330 đồng/tấn). Ngoài ra, với chiều dài sử dụng luồng sông Sài Gòn 71km mà dự án đã cải tạo, nâng cấp, chủ sà lan cần đóng thêm 1.491.000 đồng.
Với tĩnh không chỉ 1,5m như hiện nay, cầu Bình Lợi chỉ cho phép các loại tàu nhỏ đi qua, tàu trên 300 tấn không lưu thông được |
Chi phí rẻ hơn nhiều so với đường bộ
Theo các chuyên gia, chi phí vận tải hàng hóa bằng đường thủy rẻ hơn rất nhiều so với vận tải đường bộ. Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc DN vận tải Lâm Vinh cho biết, trung bình một container loại 40 feet vận chuyển bằng đường bộ từ Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) về cảng Cát Lái với chiều dài khoảng 25km chi phí vận tải khoảng 2.300.000 đồng. Sở dĩ mức phí vận tải đường bộ cao bởi các chi phí liên quan đến phương tiện, phí cầu đường rất nhiều.
“Một chuyến xe chỉ vận chuyển được một container, trong khi một chuyến tàu có thể vận chuyển hàng chục container nên đường thủy rẻ hơn là điều hiển nhiên”, ông Vinh nói.
Cụ thể, sau khi cầu Bình Lợi được nâng cấp, một sà lan 300 tấn có thể chở một lúc 15 container, từ Cát Lái lên đến cảng Bến Súc với chiều dài 71km nhưng chỉ phải trả phí 1.491.000 đồng, tính ra mỗi container chỉ mất khoảng 99.400 đồng.
Ông Phạm Quốc Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam cho rằng, mức phí vận chuyển như vậy rẻ hơn nhiều so với đường bộ. Với tàu có tải trọng càng lớn, chi phí vận chuyển bằng đường thủy càng rẻ. Chẳng hạn với tàu tải trọng 1.000 tấn, có thể chở 50 container, giá vận chuyển mỗi container chỉ còn 140.000 đồng.
Trước một số thông tin cho rằng, dự án chỉ tiến hành xây cầu đường sắt Bình Lợi mới, các phương tiện đi dưới sông Sài Gòn không sử dụng cầu Bình Lợi nhưng vẫn phải trả phí? Ông Vũ Đức Cúc, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Đô thị xanh (GUD), đại diện chủ đầu tư cho biết, tên đầy đủ của dự án là “Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi tới cảng Bến Súc”. Trong đó, gồm 2 hạng mục chính là xây mới cầu đường sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền và nạo vét luồng sông Sài Gòn dài 71km từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc. Như vậy, dự án không chỉ xây mới cầu đường sắt mà quan trọng hơn là nâng tĩnh không của cầu này để phát triển đường thủy.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam cho rằng, khu vực phía Nam có hệ thống đường thủy rất thuận lợi. Vì vậy, việc phát huy vận tải hàng hóa bằng đường thủy sẽ là điều kiện để kéo giảm chi phí vận tải, từ đó kéo giảm chi phí logistics.