Hàng loạt tàu container, tàu hàng nằm chờ vì luồng hàng hải Quy Nhơn bị ách tắc do công tác trục vớt tàu chìm ì ạch. Ảnh Xuân Huy
|
Chưa đầy tháng để cán đích các mục tiêu sản xuất năm 2017, nhưng cảng biển Quy Nhơn như ngồi trên đống lửa vì bị “nghĩa địa” tàu chìm nghẽn luồng hàng hải vào cảng, gây thiệt hại nghiêm trọng thời gian qua.
Đặc biệt, trong số tàu hư hại do bão số 12 trên vùng biển Quy Nhơn, xác tàu Biển Bắc 16 bị chìm ngay khu vực luồng hàng hải chính ra vào cảng Quy Nhơn khiến mọi công tác sản xuất bị đình đốn, ùn ứ.
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho hay, theo quy định, cảng Quy Nhơn được tiếp nhận các tàu có cao độ đáy luồng -11m (hệ Hải đồ), chiều rộng luồng B 110m. Nhưng trước vấn nạn tàu chìm, Cảng vụ Hàng Hải Quy Nhơn ra thông báo giới hạn hoạt động ra tàu thuyền ra vào các cảng trên địa bàn bị giới hạn thời gian, độ sâu luồng quy định (-8m so với mực nước số 0 Hải độ) khiến đa số tàu thuyền có tải trọng từ 30.000 DWT đến 50.0000 DWT không vào được luồng cảng.
Cảng Quy Nhơn tụt gần 460.000 tấn hàng hóa trong vòng một tháng sau sự cố chìm tàu, cản luồng hàng hải
|
Thống kê hơn tháng nay, đã có 23 tàu xuất/nhập khẩu, tàu container định tuyến tại cảng Quy Nhơn đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, 13 chuyến tàu container tương đương 49.0000 tấn, 8 tàu dăm gỗ, loại 50.000 DWT (sản lượng 400.000 tấn), 2 tàu hàng rời (snả lượng 11.000 tấn)… Hoạt động cảng Quy Nhơn đã bị “tụt” sản lượng khoảng 460.000 tấn, dễ vỡ các mục tiêu sản lượng năm 2017.
“Đang là tháng cuối năm, nước rút nhưng sự cố tàu chìm khiến hầu hết các hoạt động tại cảng bị đình trệ, thiệt hại rất lớn và ngày một gia tăng do việc trục vớt chưa có kết quả khả quan”, ông Phúc nói.
Ngày 6/12, Công ty CP Cảng Quy Nhơn phải ký văn bản số 1217 kiến nghị khẩn cấp lên UBND tỉnh Bình Định sớm hỗ trợ đẩy nhanh công tác trục vớt khắc phục hậu quả tàu chìm. Theo ông Phúc, với tiến độ trục vớt hiện nay không chỉ cảng biển thiệt hại mà các doanh nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh, khu vực miền Trung-Tây Nguyên chịu chung hệ lụy.
Tàu Biển Bắc 16 chìm ngay luồng hàng hải Quy Nhơn nhưng chậm được trục vớt, giải phóng
|
Công tác xử lý sự cố chìm tàu trên biển Quy Nhơn được đánh giá ì ạch, quá thời hạn vẫn còn hơn 50% số tàu chưa được giải phóng.
|
Mới đây, 80 doanh nghiệp chuyên gỗ của Bình Định cũng phải ký đơn gửi UBND tỉnh trước nguy cơ bị mất hợp đồng, tổn thất kinh tế do luồng lạch ra vào cảng Quy Nhơn chưa được giải phóng. Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định cho biết, những tháng cuối năm là khoảng thời gian cao điểm XNK hàng hóa, nhưng do luồng không vào được nên các tàu chở container hoặc là phải quay trở lại Singapore, hoặc là không về Quy Nhơn mà đi Đà Nẵng, Sài Gòn nên đội chi phí lớn.
“Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhập khẩu nguyên phụ liệu gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ, tốn thêm nhiều chi phí và thời gian chờ đợi. Thậm chí, một số công ty đang đứng trước nguy cơ bị đối tác từ bỏ các lô hàng đã ký kết hoặc bị phạt ở mức rất nặng…”, ông Thiện nói.
Ông Lâm Văn Dũng, Giám đốc Công ty CP Nguyệt Anh (chuyên dăm gỗ) cho biết: hàng hóa ứ đọng không thể lưu thông tại cảng Quy Nhơn thời gian qua khiến đơn vị bị thiệt hại cả chục tỷ đồng. Nếu tiếp tục chậm giải phóng luồng lạch sẽ có nhiều đơn vị sẽ có nguy cơ thua lỗ, thậm chí phá sản, mất sức cạnh tranh hàng hóa.