Để phát triển kinh tế biển thì vai trò của ngành hàng hải; trong đó có vận tải biển là hết sức quan trọng.

 

Nhiều thuyền viên không còn “mặn mà” với nghề. Ảnh: TTXVN

Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, trong vòng 5 năm qua, số lượng thuyền viên Việt Nam có chiều hướng giảm mạnh. Nếu năm 2014, số lượng thuyền viên lên đến hơn 45.000 người, đến tháng 5/2018, con số này giảm xuống chỉ còn hơn 39.000 người. Trong số đó, chức danh thủy thủ giảm mạnh nhất.

Theo ông Vũ Khắc Cường, Trưởng phòng Đăng ký tàu biển và thuyền viên (Cục Hàng hải Việt Nam), lý do số lượng thuyền viên giảm và mất cân bằng là do một bộ phận lớn thuyền viên bỏ nghề. Cùng đó, các trường hàng hải không còn hấp dẫn đối với phần lớn học sinh phổ thông.

Dưới góc độ người sử dụng nhân lực thuyền viên, ông Võ Hồng Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải biển Tân Đại Dương cho biết, thời gian qua rất nhiều thuyền viên không còn “mặn mà” với nghề. Lý do bỏ ngành có nhiều; trong đó nhiều người cho rằng họ bỏ việc bởi các chế độ liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội không được bảo đảm.

Có không ít chủ tàu thuê thuyền viên nhưng phớt lờ không đóng bảo hiểm cho người lao động. Ngoài ra, một số công ty thuê tàu kinh doanh, đến khi thua lỗ, đột ngột trả tàu, ngừng hoạt động, nợ lương thuyền viên từ 2 – 3 tháng hoặc không có khả năng chi trả.

Cũng theo ông Võ Hồng Khánh, mức lương dành cho thủy thủ, thuyền viên Việt Nam cũng đang thấp so với mặt bằng chung. Chủ tàu Trung Quốc dù trả thấp cũng khoảng từ 14 – 15 triệu đồng/tháng. Còn chủ tàu Nhật Bản, Hàn Quốc khoảng 1.300 – 1.500 USD/tháng (gần 30 triệu đến trên 34 triệu đồng). Trong khi đó ở Việt Nam, con số này mới chỉ dao động khoảng 10 triệu đồng/tháng. Đấy còn chưa kể đến yếu tố bảo hiểm tính mạng thuyền viên, các hãng tàu nước ngoài.

Ví dụ, nếu tàu vận tải của một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc… đang được Bảo hiểm Bảo vệ và Bồi thường (P&I) bán cho mức bảo hiểm 25.000 – 40.000 USD/thuyền viên (tương đương 575 triệu – 920 triệu đồng) khi tàu xảy ra sự cố liên quan đến tính mạng con người thì đối với tàu chạy tuyến nội địa Việt Nam, nếu gặp tai nạn, bảo hiểm chỉ bồi thường vỏn vẹn 30 triệu đồng/thuyền viên. Ông Võ Hồng Khánh cho hay.

Minh chứng cụ thể hơn, theo thuyền trưởng Phan Thanh Hải (Công ty cổ phần Hàng hải Liên Minh), trong gia đình thuyền viên, kinh tế gần như phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng. Lương của thủy thủ tàu nội địa hiện tại chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng, đặt vào gia đình 4 người thì mức thu nhập này chỉ cân bằng được cuộc sống nếu tằn tiện. Một năm thuyền viên lại chỉ có thể làm việc trên tàu 9 tháng, 3 tháng nghỉ trên bờ không có lương chờ, nên việc duy trì cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, chưa nói đến vấn đề tích lũy cho dự định lâu dài.

Ông Lê Việt Trung, Phụ trách khối thuyền viên (Công ty Vận tải Biển Đông) đánh giá, để thị trường thuyền viên bớt khó khăn, các cơ quan chức năng cần đề xuất Chính phủ đưa ra mức lương tối thiểu với các chức danh cấp thấp như: thủy thủ, tàu máy, có thể từ 600 – 650 USD/tháng (tương đương gần 14 triệu đến 15 triệu đồng).

“Mức lương tối thiểu không chỉ là ngưỡng an toàn để người lao động yên tâm trang trải cuộc sống mà còn là cơ sở pháp lý buộc các chủ tàu thiếu trách nhiệm phải đảm bảo đầy đủ thu nhập cho thuyền viên. Đây cũng là nền tảng để các đơn vị đào tạo thu hút nguồn học viên, cải thiện tình hình tuyển sinh của khối ngành hàng hải hiện nay”, ông Trung đề xuất.

Ông Võ Hồng Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải biển Tân Đại Dương cho rằng, thời gian qua Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã có những quan tâm đến đời sống thuyền viên, cụ thể như đã thực hiện miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thuyền viên Việt Nam làm việc trên các hãng tàu nước ngoài. Tuy nhiên, các thuyền viên hoạt động trên các tuyến vận tải nội địa lại chưa được áp dụng. Điều này là bất cập lớn.

Mức lương của thuyền trưởngtrên tàu nội địa hiện đang dao động từ 20 – 30 triệu đồng/người. Nếu được miễn thuế thu nhập, họ sẽ để ra được thêm 2 – 3 triệu đồng/tháng. Con số này tuy không quá lớn, song nó đóng vai trò khích lệ, như một cơ chế đãi ngộ tương xứng với đặc thù công việc của thuyền viên.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải biển Diêm Điền Vũ Đức Then đánh giá, thu nhập của thuyền viên hiện nay chỉ ở mức trung bình, khó thu hút lao động. Nhưng với chủ tàu, việc trả mức lương cao hơn là rất khó, bởi vận tải biển vẫn rất khó khăn.

“Đơn cử, cước phí vận chuyển hàng hóa chiều Sài Gòn – Hải Phòng bây giờ chỉ từ 70.000 – 80.000 đồng/tấn hàng, bằng giá của hai bát phở. Ước tính, 1 tấn phương tiện chỉ làm ra 250.000 đồng/tháng. Trong khi, để duy trì hoạt động của tuyến vận tải, chủ tàu phải gánh rất nhiều chi phí từ thuế, khấu hao tàu, lãi suất ngân hàng đến khoản bù lỗ cho những chuyến tàu không đủ hàng”, ông Then thông tin.

Cũng theo ông Then, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời về tài chính, thủ tục hành chính từ phía cơ quan quản lý nhà nước, không chỉ thuyền viên bỏ việc gia tăng, mà chính chủ tàu cũng sẽ bị phá sản. Viễn cảnh ngành vận tải biển bị “teo tóp” chỉ là chuyện sớm muộn.

Còn theo ông Bùi Việt Hoài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), để thị trường thuyền viên được hâm nóng trở lại, ngoài bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ thuyền viên, các cơ sở đào tạo cần liên kết với những doanh nghiệp lớn, có uy tín trong lĩnh vực vận tải biển để các sinh viên có môi trường thực hành chuyên nghiệp. Đồng thời, đảm bảo khi kết thúc khóa học, các sinh viên có đầu ra ổn định để bám trụ với nghề.

Theo ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, định hướng phát triển nguồn nhân lực vận tải biển của Cục Hàng hải Việt Nam: Đến năm 2020, công tác đào tạo và bồi dưỡng sẽ đạt khoảng 42.000 sỹ quan, thuyền viên; trong đó đào tạo mới khoảng 15.000 người (7.000 người bổ sung theo yêu cầu phát triển đội tàu và 8.000 người thay thế lực lượng hiện có). Cùng đó, khoảng 6.000 sỹ quan quản lý và khoảng 9.000 thuyền viên, công nhân kỹ thuật hàng hải cũng sẽ được đào tạo nhằm tạo nguồn nhân lực dồi dào, tăng cường tính gắn kết giữa các doanh nghiệp vận tải biển với các cơ sở đào tạo, huấn luyện

Để việc phát triển kinh tế biển được bền vững, việc đào tạo nguồn nhân lực luôn được xem là nền tảng quan trọng. Do đó, Cục Hàng hải Việt Nam hy vọng thời gian tới, bên cạnh việc xây dựng các cơ chế chính sách để thu hút nguồn nhân lực vào ngành hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo thuyền viên để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế biển của đất nước./.

16/07/2018

Ngành hàng hải làm gì để hút nguồn nhân lực ?

Để phát triển kinh tế biển thì vai trò của ngành hàng hải; trong đó có vận tải biển là hết sức quan trọng.   Nhiều […]
16/07/2018
logo

Đà Nẵng xin hợp thức hóa dự án cảng biển nghìn tỷ “tiền trảm hậu tấu”

UBND Tp. Đà Nẵng xin Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa […]
28/06/2018
dantri

Vì sao cụm cảng ĐBSCL hoạt động cầm chừng?

Dù được kỳ vọng là động lực phát triển cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhưng nhóm cảng biển tại đây lại đang […]
28/06/2018
logo

Cảng SSIT đón tàu container 5.000 Teus đầu tiên

Tàu container MSC Rosaria với sức chở gần 5.000 Teus đã cập cảng quốc tế SSIT vào tối qua Tàu container MSC Rosaria với trọng tải […]