Nhiều giải pháp hữu hiệu được các chuyên gia đưa ra nhằm giảm chi phí logistics giúp các doanh nghiệp dệt may tăng cao lợi nhuận.
“Giảm chi phí logistics giúp giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm xuất, nhập khẩu dệt may, nâng cao tính cạnh tranh và mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp”, nhận định được đưa ra tại Hội thảo Giải pháp giảm chi phí logistics để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức ngày 2/11, tại Hà Nội.
Trong những năm qua, kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng dệt may luôn đứng trong top đầu sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Riêng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt, may mặc luôn đạt giá trị xuất khẩu lớn, nhưng chi phí sản xuất, chi phí nhập khẩu và vận chuyển khá cao khiến giá thành sản phẩm tăng, giảm tính cạnh tranh khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hẹp.
Tại hội thảo, hàng loạt các giải pháp được các đại diện doanh nghiệp logistics đưa ra nhằm tiết giảm chi phí logistics để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, các giải pháp tập trung đến việc tối ưu phương thức vận chuyển, thu gom và đối lưu hàng hóa trong quá trình vận chuyển cho sản phẩm dệt may Việt Nam ra thị trường quốc tế.
Theo ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội logistics Việt Nam, nếu tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt đến 30 tỷ USD/năm, thì chi phí logistics đã chiếm đến 2,79 tỷ USD, cùng với chi phí vận chuyển khác là 1,70 tỷ USD. Ngoài ra, việc sử dụng dịch vụ logistics không hợp lý đã khiến cho các doanh nghiệp thiếu chủ động trong việc cung ứng nguồn nguyên liệu; không kiểm soát được thời gian giao hàng cũng như khó kiểm soát được chi phí và các rủi ro phát sinh.
Chính vì vậy, theo ông Thành, giải pháp cơ bản là việc thay đổi phương pháp nhập khẩu nguyên phụ liệu theo điều kiện FOB sẽ giúp cho doanh nghiệp dệt may có cơ hội giảm giá thành, tăng tỷ suất lợi nhuận. Điều này không chỉ hiệu quả cho các doanh nghiệp dệt may, mà còn tác động tích cực đến bản thân các doanh nghiệp logistics, được hưởng lợi nhuận vì chủ động được về khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải.
Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may nếu thay đổi việc sử dụng nhiều nhà cung cấp nguyên phụ liệu nhỏ lẻ bằng 1 nhà cung cấp lớn, có thể cung cấp tất cả các dịch vụ theo cơ chế 1 cửa cũng sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm giá thành.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may khi xuất hàng vẫn chưa kết hợp được việc nhập luôn nguyên phụ liệu về hoặc khi nhập nguyên phụ liệu về lại chưa kết hợp với việc xuất hàng đi. Thường các lô hàng hóa chỉ có một chiều hoặc là xuất hoặc nhập, chiều còn lại đều là phải chuyên chở container rỗng nên khiến chi phí vận chuyển tăng cao. Vì vậy, để tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển là cách cho các doanh nghiệp dệt may và logistics gặp được nhau./.