vận chuyển

Thị trường vận tải hàng hóa cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam từ lâu nay vẫn được coi là “miếng bánh lớn” đầy hấp dẫn, tuy nhiên “miếng bánh” này phần lớn vẫn đang rơi vào tay của các doanh nghiệp vận tải nước ngoài.

Muốn phát triển được, các doanh nghiệp vận tải nội cần nâng cao tính chuyên nghiệp, xây dựng quy trình khép kín. Ảnh: ST.

Khó giành thị phần

Theo ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc Công ty Agrice Việt Nam, Công ty hiện đang xuất khẩu trái cây sang các thị trường như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tuy nhiên, mỗi khi xuất hàng, Agrice Việt Nam thường chọn công ty vận chuyển của Thái Lan, Malaysia hoặc Singapore với giá rẻ hơn để tiết kiệm chi phí.

Có một thực tế nữa là nguồn hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam có một số loại hàng có khối lượng vận chuyển lớn như than, thép, xi măng– clinker…, nên các doanh nghiệp vận tải Việt Nam gần như chưa thể tiếp cận được. Đặc biệt, đa phần các doanh nghiệp vận tải biển của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính và khả năng cung cấp dịch vụ còn rất hạn chế, giá cả cũng kém cạnh tranh.

Đánh giá về sự manh mún nhỏ lẻ của các doanh nghiệp vận tải Việt Nam, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, các doanh nghiệp là công ty xuất nhập khẩu, các công ty sản xuất nông sản tự đầu tư xe, thay vì hợp tác những đơn vị vận tải chuyên nghiệp. Việc "tự cung tự cấp" này làm các doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn, khó tiếp cận được với đơn hàng.

Theo ông Nguyễn Thượng Uyển, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần XNK thủy sản Quảng Ninh, số lượng hàng xuất khẩu của Công ty không quá nhiều, lại xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Nhật Bản nên các vấn đề về vận chuyển, làm thủ tục tại cảng hay thủ tục hải quan đã được nhân viên Công ty quen thuộc và có thể làm thành thạo không kém gì đi thuê ngoài.

Bên cạnh đó, dù là sản phẩm thủy sản đã được chế biến cần phải bảo quản tốt, nhưng tất cả các khâu về cấp đông, giữ lạnh đã được Công ty thực hiện, đóng gói ngay từ khâu sản xuất, hàng ra cảng sẽ được lên tàu đi ngay nên không phải lo về khâu bảo quản, lưu kho, hoặc nếu có thì dùng luôn dịch vụ của cảng. Vì thế, Công ty chỉ đi thuê dịch vụ vận tải từ nhà máy đến cảng do không có điều kiện mua xe chuyên chở.

"Nút thắt" liên kết

Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), một trong những khó khăn các doanh nghiệp vận tải đang phải đối mặt đó là nghịch lý về chi phí làm hàng tại cảng (THC). Cụ thể, theo quy định, chi phí làm hàng tại cảng là khoản mục chi phí được liên minh các hãng tàu container thống nhất áp dụng thu của chủ hàng xuất nhập khẩu tại từng khu vực thị trường và có thể được điều chỉnh theo hướng bao cả rủi ro tiềm năng phát sinh trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mức thu THC mà chủ hàng xuất nhập khẩu phải chịu hiện nay cao gấp đôi chi phí làm hàng thực tế hãng tàu thỏa thuận trả cho cảng theo khung giá sàn quy định, chưa tính thêm khoản bao cấp chi phí vận chuyển container giữa cảng và các ICD mà hãng tàu ép cảng phải chịu thay cho chủ hàng (điều kiện giao nhận CY bị biến tướng thành điều kiện CY/ICD tại thị trường Việt Nam).

Đáng chú ý, theo VPA, hầu hết các doanh nghiệp xuất nhập khẩu chọn các doanh nghiệp nước ngoài vận chuyển vì năng lực quản lý cạnh tranh, xử lý tranh chấp có yếu tố nước ngoài và phòng vệ thương mại của Việt Nam hiện còn hạn chế và chậm cải tiến trong tình hình hội nhập kinh tế thương mại ngày càng nhanh và sâu rộng, cạnh tranh khu vực và quốc tế ngày càng phức tạp.

Đồng thời, theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân còn là do chất lượng dịch vụ kho vận tại Việt Nam còn hạn chế nên thời gian vận chuyển các mặt hàng cần có kho lạnh như trái cây từ nơi thu hoạch đến cảng xuất khẩu vẫn còn khá dài. Điều này làm doanh nghiệp vận tải Việt Nam kém cạnh tranh hơn với các doanh nghiệp vận tải nước ngoài. Hơn nữa một bất lợi của các doanh nghiệp vận tải nội địa là các đối tác nước ngoài chưa hiểu rõ về họ, về giá cả, pháp lý, bất đồng về ngôn ngữ. Vì vậy, các công ty vận tải nước ngoài vẫn là sự ưu tiên lựa chọn.

Đặc biệt, hiện nay các doanh nghiệp vận tải nội vẫn hoạt động đơn lẻ, chưa đoàn kết với nhau, chưa xây dựng được mô hình vận tải trọn gói, thiếu sự liên kết nên khó cạnh tranh, tạo được vị thế. Muốn phát triển được, các doanh nghiệp vận tải nội cần nâng cao tính chuyên nghiệp, xây dựng quy trình khép kín đồng thời phải thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song song với đó cũng cần từng bước xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ trọn gói, có như vậy mới tận dụng được hết các cơ hội hợp tác và phát triển.

07/06/2018

Khó tranh “miếng bánh” vận tải xuất nhập khẩu

Thị trường vận tải hàng hóa cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam từ lâu nay vẫn được coi là “miếng bánh lớn” đầy […]
26/05/2018
Logo_one

Hãng tàu ONE ( Ocean Network Express) chính thức đi vào hoạt động

Buổi lễ ra mắt hãng tàu container mới nhất trên thế giới chính thức bắt đầu hoạt động vào hôm chủ nhật. Hãng tàu khổng lồ […]
26/05/2018
index

Hàn Quốc mở rộng điều tra vụ bê bối trốn thuế tại Tập đoàn vận tải biển Hanjin

Ngày 25/5, các công tố viên Hàn Quốc đã bất ngờ khám xét hai công ty con của Tập đoàn Hanjin, hãng vận tải biển lớn […]
26/05/2018
logo

Doanh nghiệp vận tải điều chỉnh tăng cước phí theo giá xăng dầu

Giá xăng dầu liên tục tăng khiến các doanh nghiệp vận tải hàng hóa phải điều chỉnh cước phí để thoát lỗ. Tính từ đầu tháng […]