Hải Phòng: Doanh nghiệp lao đao vì luồng hàng hải tiếp tục cạn

Với thực trạng luồng hàng hải tiếp tục cạn, thiệt hại của doanh nghiệp cảng, hãng tàu, doanh nghiệp XNK ước tính lên đến 500.000 USD/tàu/ngày.

11

Hoạt động của nhiều cảng biển, doanh nghiệp XNK, hãng tàu bị ảnh hưởng bởi luồng cạn

Gần 1 năm qua, luồng hàng hải Hải Phòng không được nạo vét dẫn đến tình trạng bồi lắng nghiêm trọng. Tới nay, nhiều đoạn, tuyến thuộc luồng hàng hải Hải Phòng tiếp tục cạn, chỉ đạt độ sâu -6,3m trong khi chuẩn tắc thiết kế là -7m (giảm 70cm so với tháng 8/2017). Luồng hàng hải cạn đang ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp vận tải biển, đại lý hàng hải và các cảng biển.

Thiệt hại lớn vì luồng hàng hải cạn

Mới đây, đại diện 6 doanh nghiệp cảng biển lớn nhất của Hải Phòng gồm: Hải Phòng, Đình Vũ, Nam Đình Vũ, Nam Hải Đình Vũ, Xanh VIP, Dịch vụ Dầu khí Đình Vũ cùng đồng loạt ký vào một văn bản gửi Bộ GTVT và UBND TP Hải Phòng kêu cứu vì việc luồng hàng hải tiếp tục bị sa bồi, cạn hơn, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng tàu, doanh nghiệp cảng, chủ hàng, công ty xuất nhập khẩu (XNK)…

Ông Phạm Hồng Minh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng cho biết: Theo tính toán của các hãng tàu, cứ giảm 10cm mớn tàu sẽ phải giảm từ 400-500 tấn/chuyến tàu. Hiện nay, luồng Hải Phòng giảm 70cm so với chuẩn tắc thiết kế dẫn đến các hãng tàu phải cắt giảm xấp xỉ 6.000 tấn/chuyến tàu, tương đương 400 container/chuyến. Về phía các đơn vị khai thác cảng, 400 container/chuyến với mức giá xếp dỡ trung bình hiện nay theo giá sàn của Bộ GTVT thì thiệt hại 12.000 USD/chuyến tàu, chưa kể thiệt hại doanh thu từ nâng hạ, lưu kho bãi…

Với thực trạng luồng hàng hải nói trên, thiệt hại của doanh nghiệp cảng, hãng tàu, doanh nghiệp XNK ước tính lên đến 500.000 USD/tàu/ngày. Trong khi đó, hiện mỗi ngày tại 6 cảng trên khai thác trung bình 10 chuyến tàu. Việc độ sâu luồng hàng hải Hải Phòng liên tục bị giảm từ năm 2017 tới nay đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các cảng, hãng tàu, doanh nghiệp XNK và nền kinh tế nói chung.

Ông Phạm Quốc Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam cho rằng: “Những chuyến tàu của chúng tôi không thể vào được luồng do luồng cạn, buộc phải giảm khoảng 2.800 tấn/lượt, tương đương với 150 container/lượt. Với giá cước bình quân 4-5 triệu đồng/container, các hãng tàu nội địa Việt Nam thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng/tuần. Đồng thời, ảnh hưởng tới việc tìm bạn hàng quốc tế, giảm sức cạnh tranh với các cảng biển của các nước trong khu vực”.

Trước đó, ngày 17/4, các cảng biển, doanh nghiệp vận tải biển, đại lý và môi giới hàng hải… nhận được Thông báo hàng hải số 83 của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc. Theo đó, hiện nay, tuyến luồng Hải Phòng có độ sâu cụ thể: Đoạn kênh Hà Nam lý trình Km 17+700 – Km 23+600: Trong phạm vi đáy luồng hàng hải rộng 80m, được giới hạn và hướng dẫn bởi hệ thống báo hiệu hàng hải, độ sâu  đạt: -6,3m. Đoạn luồng Bạch Đằng lý trình Km 23+600 – Km 33+200: Trong phạm vi đáy luồng hàng hải rộng 80m, được giới hạn và hướng dẫn bởi hệ thống báo hiệu hàng hải, độ sâu đạt: -6,3m. Như vậy, hiện luồng hàng hải Hải Phòng tiếp tục bị cạn hơn 40cm so với Thông báo số 237/TBHH-TCTBĐATHHMB ngày 30/8/2017; cạn hơn so với chuẩn tắc thiết kế khoảng 70cm.

Vẫn tắc điểm đổ thải ngoài biển

TP Hải Phòng là cửa ngõ ra biển của các tỉnh miền Bắc với hơn 40 cảng biển lớn, nhỏ. Toàn bộ các tàu từ luồng hàng hải quốc tế đều phải đi qua luồng hàng hải Hải Phòng với điểm khởi đầu là phao số 0 ngoài biển, qua các luồng Lạch Huyện, kênh Hà Nam, Bạch Đằng, sông Cấm nếu muốn vào được các cảng biển ở Hải Phòng.

Để đảm bảo cho các tàu hàng tải trọng lớn lưu thông, hoạt động, từ năm 2012, Bộ GTVT đã đưa ra công bố quy chuẩn luồng hàng hải Hải Phòng có tổng chiều dài 72,1km gồm 6 đoạn, chuẩn tắc thiết kế độ sâu trung bình của luồng là -7m đủ khả năng tiếp nhận các tàu tải trọng trên 5 vạn tấn vào làm hàng tại các cảng. Với đặc thù là hạ lưu của một loạt các con sông lớn chảy qua trước khi đổ ra biển mang theo một lượng phù sa rất lớn bồi đắp, nên luồng hàng hải Hải Phòng thường xuyên phải duy tu, nạo vét để bảo đảm chuẩn tắc thiết kế. Việc nạo vét luồng hàng hải Hải Phòng và các luồng hàng hải miền Bắc được Bộ GTVT giao cho Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc. Đối với khu vực thủy diện cảng (vùng nước trước mặt cảng) thì mỗi cảng phải thực hiện nạo vét để đảm bảo chuẩn tắc thiết kế.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2017, việc nạo vét luồng hàng hải ở Hải Phòng nói riêng, cả nước nói chung gặp khó khăn. Lý do là việc thiếu các điểm đổ bùn trong quá trình nạo vét luồng. Theo ông Dương Ngọc Đức, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc: “Để đạt chuẩn tắc thiết kế, mỗi năm luồng hàng hải Hải Phòng phải hút, vét khoảng 1 triệu m3 bùn ra khỏi luồng hàng hải. Trước đây, bùn nạo vét được đổ ra một số khu vực ngoài biển. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 tới nay, hồ sơ, thủ tục xin phép các cơ quan chức năng xin điểm đổ thải tại khu vực phao số 0 bị “tắc” bởi những quy định mới liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Bộ GTVT và UBND TP Hải Phòng đã thống nhất đồng ý, thậm chí đã có nhiều công văn đề nghị Bộ TN&MT tạo điều kiện, tuy nhiên, hồ sơ vẫn chưa được thông qua”.