Hải Phòng bừng dậy, bứt phá mạnh mẽ

Sau 15 năm, số thu nội địa tăng gấp 12,5 lần, đặc biệt tăng rất nhanh trong 3 năm gần đây. Từ chỗ luôn phải trông đợi vào sự đầu tư của Trung ương, đến nay Hải Phòng có thể đi lên bằng chính nội lực của mình, có thể tự xây những cây cầu, những con đường trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Quan trọng hơn, từ tiềm lực kinh tế lớn mạnh, thành phố có thêm nhiều điều kiện thực hiện các công trình phúc lợi công cộng, nâng cao mức sống người dân, chăm lo gia đình chính sách.

Kỳ 1: Tiềm lực kinh tế ngày càng mạnh mẽ

Thành công lớn nhất trong 15 năm thực hiện NQ 32 của Hải Phòng là tiềm lực kinh tế tăng nhanh và ngày càng mạnh mẽ. Thời điểm ban hành NQ năm 2003, tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố chỉ đạt khoảng xấp xỉ 8000 tỷ đồng (bao gồm cả thu nội địa và thu thuế xuất nhập khẩu). Trong đó, số thu nội địa chỉ khoảng 1700 tỷ đồng. Sau 15 năm, số thu nội địa tăng gấp 12,5 lần, đặc biệt tăng rất nhanh trong 3 năm gần đây. Từ chỗ luôn phải trông đợi vào sự đầu tư của Trung ương, đến nay Hải Phòng có thể đi lên bằng chính nội lực của mình, có thể tự xây những cây cầu, những con đường trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Quan trọng hơn, từ tiềm lực kinh tế lớn mạnh, thành phố có thêm nhiều điều kiện thực hiện các công trình phúc lợi công cộng, nâng cao mức sống người dân, chăm lo gia đình chính sách.

 

Các nhà máy, cầu cảng tại Khu công nghiệp Đình Vũ. Ảnh: Duy Thính

Đánh thức tiềm năng, lợi thế

 

NQ 32 của Bộ Chính trị nêu rõ, Hải Phòng là thành phố cảng lâu đời, nằm ở vị trí trung tâm vùng Duyên hải Bắc bộ, là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, một cực tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Bắc. Tiềm năng, lợi thế của thành phố rất to lớn, nhưng lại chưa được khai thác, phát huy. Đến nỗi, số thu ngân sách nội địa thời điểm năm 2003 mới đáp ứng được 80% chi ngân sách của thành phố.

Từ những điểm yếu và hạn chế đó, sau khi NQ 32 được ban hành với yêu cầu được Bộ Chính trị chỉ rõ là phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững, Hải Phòng đã có nhiều giải pháp “đánh thức” tiềm năng, lợi thế, biến thành nguồn lực thực tế. Nghị quyết các Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 13, 14, 15 đều đề cập rất rõ về nội dung này và tập trung cao  lãnh đạo, chỉ đạo. Đó là những lợi thế về cảng biển, về đô thị, về đất đai, về con người Hải Phòng “ăn sóng nói gió”, luôn mạnh mẽ, tiên phong, luôn dám làm, dám chịu trách nhiệm.

 

Từ ánh sáng của NQ 32, Hải Phòng tập trung cao cho phát triển cảng biển, có cơ chế, chính sách, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mạnh mẽ vào cảng biển. Nhờ vậy, sau 15 năm, cảng biển Hải Phòng có bước phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ không chỉ về số lượng mà còn cả về quy mô, trình độ công nghệ, năng lực bốc xếp hàng hóa cùng các dịch vụ kèm theo. Cùng với đó, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được gấp rút triển khai,  đã hoàn thành 2 bến khởi động, chính thức đưa hàng  hóa từ Hải Phòng tới thẳng các nước châu Mỹ, châu Âu mà không cần phải qua các cảng trung chuyển. Sản lượng hàng hóa qua cảng từ 13 triệu tấn năm 2003  tăng lên 92 triệu tấn năm 2017, dự báo sẽ vượt qua con số 100 triệu tấn trong năm 2018, vượt xa nhiều lần so với dự tính trước đây. Sự phát triển của cảng biển Hải Phòng  kéo theo sự sôi động, đa dạng của dịch vụ cảng với hàng trăm doanh nghiệp tham gia. Cũng nhờ sự phát triển của hệ thống cảng biển mà các doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải biển nở rộ. Từ đây, Hải Phòng tăng thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng vạn lao động. Có thể nói, Hải Phòng sầm uất là nhờ biết khơi dậy tiềm năng của cảng biển.

 

Bên cạnh cảng biển, sự phát triển của các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) của Hải Phòng là hiện thực sinh động nhất sau 15 năm thực hiện NQ 32. Từ định hướng của NQ 32, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết số 20 về phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến năm 2010, định hướng tới năm 2020; xây dựng đề án thành lập Khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải; lựa chọn nhà thầu nước ngoài lập quy hoạch KKT, báo cáo Chính phủ đưa KKT Đình Vũ- Cát Hải nằm trong nhóm các KKT được ưu tiên tập trung đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013- 2015. Tiếp đó, KCN Tràng Duệ được Chính phủ đồng ý đưa vào KKT Đình Vũ- Cát Hải (trước đó là 4  KCN Đình Vũ, Nam Đình Vũ, Nam Tràng Cát và Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP), tạo điều kiện cho Hải Phòng có thể thu hút dự án đầu tư công nghiệp lớn nhất từ trước tới nay từ nhà đầu tư nước ngoài. Từ đây, tiềm năng về đất đai được khơi thông mạnh mẽ và xuất hiện các dự án “tỷ USD”. Ngoài dự án của Bridgestone trị giá hơn 1,2 tỷ USD tại KCN Đình Vũ, riêng Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã đầu tư hơn 4 tỷ USD vào KCN Tràng Duệ với một loạt nhà máy như LG Electronics 1,5 tỷ USD; LG Display 1,5 tỷ USD; LG Innotek hơn 1 tỷ USD… Cùng với  đó là một loạt các dự án  khác của các tập đoàn lớn trên thế giới, đưa Hải Phòng nằm trong số ít các địa phương thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất cả nước. Càng đáng ghi nhận hơn khi xu hướng thu  hút đầu tư của Hải Phòng ngày càng hướng vào các dự án công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường.

 

Đặc biệt, với sự xuất hiện của Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô Vinfast và Công ty Vinsmast (Tập đoàn Vingroup), Hải Phòng giờ đây trở thành biểu tượng đáng tự hào, đi đầu cả nước về áp dụng công nghiệp 4.0. Và cũng bởi thế, Chỉ số sản xuất công nghiệp của Hải Phòng không ngừng tăng nhanh, đứng đầu cả nước (năm 2016 tăng 17%; năm 2017 tăng 21,6%; 7 tháng năm 2018 tăng 24,2%).

 Công nhân trên dây chuyền sản xuất máy giặt phục vụ xuất khẩu tại Công ty LGE. Ảnh: Duy Thính

 

Điểm nổi bật nữa trong 15 năm thực hiện NQ 32 là thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH, đô thị hóa. Sau một quá trình kiên trì, bền bỉ, với nhiều giải pháp, biện pháp đột phá,  tỷ trọng các nhóm ngành công nghiệp- xây dựng và dịch vụ trong GDP của Hải Phòng tăng từ 84,8% năm 2003 lên 94,75% năm 2017. Trong đó, tỷ trọng dịch vụ tăng từ 49,04% năm 2003 lên 52,62% năm 2017. Như vậy, nhóm ngành nông, lâm, thủy sản chỉ còn chiếm hơn 5% nhưng lại được gia tăng những giá trị lớn hơn nhờ một loạt các dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch được đầu tư trên đồng đất Hải Phòng. Thói quen, tập quán canh tác của nông dân cũng thay đổi hẳn, ứng dụng nhiều công nghệ, kỹ thuật mới, đặc biệt là hướng mạnh tới nền sản xuất hàng hóa, cho giá trị cao gấp hàng chục lần trên mỗi ha đất. Cùng với các phong trào xây dựng nông thôn mới rộng khắp, đặc biệt triển khai mạnh từ năm 2015 tới nay, nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng hoàn toàn đổi khác. Thu nhập của người dân nông thôn tăng cao rõ rệt, nhiều gia đình khá giả, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn đã kéo lại khá gần.

 

Lợi thế về đô thị cảng biển lâu đời cũng được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thực hiện các định hướng lớn của NQ 32 với cách làm sáng tạo, linh hoạt, chưa bao giờ, đô thị Hải Phòng phát triển mạnh mẽ như bây giờ, mang lại những giá trị to lớn về nhiều mặt, cả về kinh tế, xã hội, kiến trúc, văn hóa… Giá bất động sản tăng nhanh càng thể hiện sức hút lớn của đô thị Hải Phòng.

 

Sức sống nghị quyết của Đảng không nằm trên mây, trên giấy mà cần được chuyển hóa vào nhận thức, tư tưởng và biến thành hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân. Đây cũng chính là thành công của Hải Phòng khi khơi gợi được truyền thống, nguồn lực con người Hải Phòng, tất cả cùng chung sức, đồng lòng, đóng góp công sức, trí tuệ, tình cảm, tâm huyết để chuyển hóa các nội dung NQ 32 vào cuộc sống. Trong cả quá trình 15 năm, có lúc khó khăn, có khi chùng lại nhưng bao quát tất cả vẫn là khí thế sục sôi, quyết tâm, năng động, sáng tạo, đi đầu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố. Đây chính là yếu tố quyết định để Hải Phòng thực hiện thắng lợi NQ 32.

 

Huy động nhiều nguồn lực, tăng nhanh tiềm lực

 

Nhờ đánh thức tiềm năng lợi thế, giai đoạn từ năm 2003- 2017, thực hiện NQ 32, Hải Phòng huy động nhiều nhất các nguồn lực đầu tư vào thành phố. Tổng số vốn đầu tư phát triển 15 năm qua đạt 487.921 tỷ đồng, tăng bình quân 16,58%/năm. Riêng năm 2017 đạt 71.874 tỷ đồng, gấp 10 lần năm 2003. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hơn 15 tỷ USD, gấp hơn 15 lần so với giai đoạn 1989- 2002. Đáng chú ý, những năm gần đây, thu hút vốn FDI tăng mạnh, luôn dẫn đầu cả nước, trong đó năm 2016 đạt tới 3 tỷ USD; năm 2017 đạt hơn 1 tỷ USD; 7 tháng năm 2018 đạt 1,2 tỷ USD, hoàn thành kế hoạch năm trước thời gian 5 tháng. Không những thế, Hải Phòng còn thu hút rất mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư trong nước với tổng số vốn lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, là cú hích quan trọng phát triển kinh tế xã hội. Đến nay, Hải Phòng hội tụ được rất nhiều các tập đoàn, công ty trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới và Việt Nam vào đầu tư.

 

15 năm nỗ lực không ngừng, với ý chí, bản lĩnh và quyết tâm cao độ, tiềm lực kinh tế của Hải Phòng ngày càng lớn mạnh. So với chính Hải Phòng cách đây 5-7 năm, đã thấy có một khoảng cách lớn chứ chưa nói tới chuyện so với năm 2003. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng tăng dần qua hàng năm và đặc biệt đột phá trong 3 năm gần đây: Năm 2016 tăng 11,46%; năm 2017 tăng hơn 14%; 6 tháng năm 2018 tăng tới 16,03%, ước cả năm 2018 tăng 16%. Trước đây, khó khăn lắm, Hải Phòng mới lọt vào CLB các địa phương số thu ngân sách hơn 1000 tỷ đồng của cả nước. Sau đó, nâng dần lên được khoảng 7000-8000 tỷ đồng/năm; chi tiêu, đầu tư luôn eo hẹp. Thế nhưng trong 5 năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2015 đến 2017, mỗi năm số thu ngân sách nội địa của thành phố tăng bình quân 4000- 4500 tỷ đồng. Từ chỗ chỉ có thể dành ra mỗi năm 1000- 1500 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển, đến năm 2017, thành phố có thể dành ra tới 15.000 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư. Từ tiềm năng và sức mạnh nội lực, thành phố đã có thể tự mình làm nên những công trình lớn, hiện thực hóa niềm mơ ước của người dân như các cầu vượt đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Hồng Phong; cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Hàn, cầu Đăng… và một loạt các công trình khác trong xây dựng nông thôn mới, trong cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, xây dựng chung cư, phát triển đô thị mới. Không những thế, thành phố có được nguồn vốn ngân sách đáng kể để dùng làm “vốn mồi” thu hút nhiều nguồn lực đầu tư khác.

 

Tăng trưởng kinh tế luôn đi liền với tăng mức sống của người dân và Hải Phòng đã thực hiện được mục tiêu đó. 2 triệu người dân Hải Phòng có cuộc sống ấm no, ổn định, nhiều người sống sung túc. Các gia đình chính sách, các hộ nghèo, những người không may gặp bất hạnh trong cuộc sống, những số phận éo le do tàn tật, ốm đau… được chăm sóc, chăm lo chu đáo hơn bao giờ hết. Mức hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo, người cao tuổi trên địa bàn thành phố được nâng cao, năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, mức tặng quà người có công, gia đình chính sách nhân dịp lễ, Tết của Hải Phòng những năm gần đây cao nhất cả nước, bình quân 2,5- 3,2 triệu đồng/trường hợp,  khẳng định chủ trương đúng đắn của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố: Phát triển kinh tế phải luôn đi đôi với nâng cao mức sống người dân và bảo đảm an sinh xã hội. Mỗi người dân thành phố đang cảm nhận rõ ràng nhất về các thành tựu kinh tế- xã hội vượt bậc mà chính họ đang được thụ hưởng. Bởi thế, Hải Phòng đang tràn đầy sức sống mới, nội lực mới, mỗi người Hải Phòng đều luôn tự hào và cống hiến hết mình vì sự phát triển của thành phố cảng biển lớn nhất phía Bắc. Đây mới chính là tiềm lực lớn lao nhất của thành phố Cảng đang được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ: Tiềm lực con người