Hải Phòng bừng dậy, bứt phá mạnh mẽ

Kỳ 2: Khẳng định vai trò đầu mối giao thông của cả vùng

Một trong những yêu cầu lớn được Bộ Chính trị chỉ ra tại NQ 32 là xây dựng Hải Phòng trở thành đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, có cảng nước sâu (nếu điều kiện kỹ thuật cho phép). 15 năm qua, Hải Phòng kiên trì, nỗ lực thực hiện mục tiêu này và ghi những dấu ấn quan trọng.

Kết nối trực tiếp tới các châu lục

 

Tháng 5-2018, đúng vào dịp Hải Phòng đang tích cực chuẩn bị tổng kết 15 năm thực hiện NQ 32,  2 bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng chính thức đi vào hoạt động. Từ đây, hàng hóa xuất nhập khẩu từ Hải Phòng có thể đi thẳng tới các châu lục, tới tận châu Âu, châu Mỹ xa xôi, không phải qua các cảng trung chuyển như trước. Cũng từ nay, Cảng biển Hải Phòng có thể đón được những con tàu lớn 100.000- 150.000 tấn vào làm hàng, trong khi trước đây chỉ có thể đón tàu 40.000 tấn giảm tải. Ngay sau khi khánh thành, Cảng container quốc tế Hải Phòng liên tục đón những con tàu lớn vào làm hàng. Mới đây nhất là tàu E.R AMSTERDAM trọng tải 67.557 DWT, sức chở hơn 6 nghìn TEU, khẳng định năng lực tiếp nhận, bốc xếp, dịch vụ của cảng ngày càng được nâng cao. Với sự hiện diện của cảng nước sâu tại Lạch Huyện, sức hấp dẫn, năng lực cạnh tranh của cảng biển Hải Phòng,  thành phố Hải Phòng nói riêng và hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam nói chung được nâng lên rõ rệt bởi góp phần giảm chi phí vận tải biển, chi phí logistics cho các doanh nghiệp, tạo động lực cho sự phát triển hệ thống cảng biển nước sâu và các hoạt động logistics khu vực phía Bắc và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-  xã hội của đất nước.

 

Tàu trọng tải lớn bốc xếp hàng tại Cảng container quốc tế Hải Phòng Ảnh: Duy Thính


 

 

Với Hải Phòng, sự kiện này còn có ý nghĩa đặc biệt to lớn. Đồng chí Nguyễn Văn Thuận, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng, người trực tiếp cùng Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng nghiên cứu, xây dựng đề án và đề nghị Bộ Chính trị ban hành NQ 32 kể lại: “Khi đó (năm 2003), mặc dù đã qua rất nhiều cuộc làm việc, trao đổi, khẳng định vị thế Hải Phòng, nhưng cuối cùng trong NQ 32 của Bộ Chính trị dành cho Hải Phòng vẫn có câu “nếu điều kiện kỹ thuật cho phép” trong ngoặc khi nói về xây dựng cảng nước sâu. Điều này khiến Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng luôn băn khoăn, trăn trở, nhưng cũng là động lực thúc đẩy thành phố phải bật ra các giải pháp để xây dựng bằng được cảng nước sâu, khẳng định với Trung ương, với các tỉnh, thành phố bạn là Hải Phòng sẽ làm được, làm thành công”. Từ đó, việc xây dựng cảng nước sâu tại Lạch Huyện được các thế hệ lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm, được Trung ương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt. Kết quả là đến nay, Hải Phòng đã chứng minh, đã khẳng định được, xây dựng thành công cảng nước sâu duy nhất, lớn nhất ở phía Bắc, mang lại những lợi thế vô cùng to lớn cho sự phát triển của Hải Phòng hiện tại và cả sau này.

Không chỉ có cảng nước sâu, các cảng biển khác của Hải Phòng cũng không ngừng thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, lắp đặt các trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa. Nếu năm 2003, khu vực cảng biển Hải Phòng chỉ có 20 doanh nghiệp khai thác cảng với 22 bến, tổng chiều dài khoảng 5568m, các trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, sức nâng hạn chế; năm 2017 lên tới 42 doanh nghiệp tham gia khai thác với 44 bến, chiều dài cảng 11.012 m, gấp gần 2 lần năm 2003, hệ thống xếp dỡ và kho bãi tiêu chuẩn cao, năng suất xếp dỡ bình quân đạt 50- 60 container/giờ. Đáng chú ý, không gian phát triển cảng dần mở rộng ra phía biển, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn như cảng Nam Đình Vũ, Tân Vũ… Từ năm 2003 trở về trước, chỉ có  doanh nghiệp nhà nước khai thác cảng nay phần lớn là doanh nghiệp tư nhân (31 DN); 4 doanh nghiệp có vốn nước ngoài… Công tác quản lý, khai thác cảng ngày càng hiệu quả hơn.

Cùng với cảng biển, năng lực vận tải biển cũng được nâng cao. Năm 2003, Hải Phòng có hơn 100 chiếc tàu biển đăng ký với tổng số trọng tải 800.000 DWT, hầu hết là tàu hàng khô, tuyến vận tải chủ yếu trong nước và một số nước lân cận. Năm 2017, khu vực Hải Phòng có 680 chiếc tàu, tổng trọng tải 3.669.128 DWT, chiếm 32% số lượng tàu, 41% tổng số tấn trọng tải của đội tàu Việt Nam, trong đó có tàu trọng tải lớn tới 53.000 DWT. Tuyến vận tải được mở ra trên toàn thế giới, đi thẳng tới các nước châu Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Úc… Hàng hóa xuất nhập khẩu của miền Bắc và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ chủ yếu qua khu vực cảng biển Hải Phòng. Như vậy, Hải Phòng xác lập được vai trò là trung tâm dịch vụ hàng hải, vận tải biển lớn của cả nước, cửa chính ra biển, có cảng nước sâu theo đúng tinh thần của NQ 32.

Hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại

 

Để hội tụ cả 5 loại hình giao thông (đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường bộ, đường hàng không), 15 năm qua, đặc biệt trong 5 năm gần đây, Hải Phòng tập trung toàn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng  giao thông. Được sự quan tâm của Trung ương, cùng với sự nỗ lực, sáng tạo của thành phố, đến nay, nhiều công trình giao thông được nêu trong NQ 32, Kết luận 72 đã hoàn thành như đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng; cầu Bạch Đằng; Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Cảng hàng không quốc tế Cát Bi… Đặc biệt, cầu và đường Tân Vũ- Lạch Huyện hoàn thành gần như đồng thời với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, mở ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Hải Phòng. Cùng với đó, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi hoàn thành, nhiều tuyến bay mới trong nước và quốc tế được các hãng hàng không trong và ngoài nước mở ra, tốc độ tăng trưởng hành khách đạt bình quân 26%/năm, năm 2017 đón hơn 2 triệu lượt hành khách. Để so sánh, năm 2003 chỉ có 1 chặng bay Hải Phòng- thành phố Hồ Chí Minh của 1 hãng hàng không, vận chuyển được hơn 70.000 lượt khách, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của loại hình giao thông này.

Với hệ thống đường bộ rộng khắp, liên tục được nâng cấp, mở rộng, cải tạo, đầu tư xây dựng, năng lực vận tải hàng hóa của Hải Phòng ngày càng được nâng cao, điều kiện đi lại cho người dân và du khách ngày càng thuận tiện cũng là một trong những ưu thế lớn của thành phố. Khối lượng vận chuyển hàng hóa đường bộ năm 2017 tăng 9 lần so với năm 2003, đứng thứ 3 cả nước sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; chiếm tỷ trọng 17% vùng đồng bằng sông Hồng và 10% khối lượng vận chuyển hàng hóa của cả nước. Tiêu biểu  như quốc lộ 10, đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, đường cao tốc nối với Vân Đồn, Quảng Ninh, cùng một loạt tuyến đường khác đang được khẩn trương thực hiện như đường trục đô thị, đường từ cầu Lạng Am tới cầu Nhân Mục, các con đường kết nối giữa Hải Phòng với Cát Hải, Cát Bà; đường liên tỉnh…

Không những thế, bằng chính nội lực, bằng tiềm lực kinh tế tăng mạnh qua 15 năm thực hiện NQ 32, Hải Phòng đã đầu tư xây dựng nhiều cây cầu mới như cầu vượt các đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Hồng Phong, cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Hàn, cầu Đăng. Hiện tại, cầu vượt đường Nguyễn Văn Linh đang được thực hiện. Sắp tới đây, thành phố sẽ xúc tiến đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi, xây dựng cầu và đường Tân Vũ- Lạch Huyện 2, đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường bộ ven biển; hoàn chỉnh hệ thống đường lăn, xây dựng đường cất hạ cánh mới, nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay mới công suất 4 triệu khách/năm, có thể mở rộng lên 6 triệu hành khách/năm tại Cảng hàng không Cát Bi… vai trò đầu mối giao thông quan trọng của các tỉnh phía Bắc của Hải Phòng ngày càng rộng mở. Bên cạnh đó, hệ thống đường thủy nội địa, đường sắt đang được thúc đẩy đầu tư, nâng cấp, mở rộng, nhằm phát huy tối đa các lợi thế sẵn có của Hải Phòng.

Tin vui mới nhất, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 24 và 25-8- 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương xúc tiến xây dựng các bến tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện. Trước đó, trong nhiều cuộc về thăm và làm việc với thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt ghi nhận thành tựu của Hải Phòng trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thể hiện sự kết nối mạnh mẽ, thông suốt với các tỉnh, thành phố trong vùng, trong cả nước và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, chỉ riêng nguồn vốn đầu tư công cho giao thông Hải Phòng những năm qua lên tới 124.000 tỷ đồng, chưa kể các nguồn vốn khác của nước ngoài, của doanh nghiệp còn lớn hơn gấp nhiều lần. Từ đó, Hải Phòng không chỉ khẳng định được vai trò đầu mối giao thông quan trọng, của chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, có cảng nước sâu mà nhiều nội dung, nhiều công trình, dự án còn vượt qua cả sự mong đợi của NQ 32, cho thấy tinh thần năng động, sáng tạo của Hải Phòng trong thực hiện nghị quyết, mang lại hiệu quả kinh tế và tác động xã hội to lớn.