Nghệ An quyết gỡ “nút thắt” logistic yếu kém

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong lĩnh vực logistic, chiều 23/1, Nghệ An có cuộc làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng và logistic nhằm tăng năng lực trong lĩnh vực vốn còn nhiều hạn chế ở Nghệ An.

Đồng chí Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì họp. Dự họp có sự tham gia của lãnh đạo các công ty: VSIP Nghệ An, Công ty WHA Hemaraj, Tân Cảng Sài Gòn, Công ty CP Hoàng Thịnh Đạt, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty CP Logicstic U&I, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hà Tiến, Công ty KCN Hoàng Mai…

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Trân Châu
Tại cuộc họp, lãnh đạo Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Nghệ An giới thiệu với các doanh nghiệp về  hiện trạng tự nhiên, xã hội, hạ tầng giao thông đường sắt, đường thủy, cảng hàng không Vinh, các cảng biển của Nghệ An.
Hiện, Nghệ An có hệ thống giao thông thuận tiện, kết nối khá hoàn chỉnh, có 16 Quốc lộ đi qua tỉnh, 32 tuyến tỉnh lộ, có cảng hàng không quốc tế.

Nghệ An có cụm cảng Quốc tế Cửa Lò gồm cảng Cửa Lò, cảng nước sâu Cửa Lò, cảng chuyên dùng The Vissai, cảng xăng dầu DKC, cảng Đông Hồi với tổng sản lượng hàng qua cảng mỗi năm đạt 6,3 triệu tấn.

Nghệ An hiện có 200 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu nhưng quy mô các doanh nghiệp vừa, nhỏ, hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, dịch vụ logistic trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. 

Đại tá Bùi Sỹ Tuấn – Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn: "Nghệ An đang quyết tâm thay đổi cung cách phục vụ, lo nỗi lo cho doanh nghiệp". Ảnh: Trân Châu
Hiện các đại lý như hãng tàu Việt Nhật, Công ty CP Container, Viconship, Nacoship… và các đơn vị khác đang cố gắng đầu tư phương tiện, đổi mới quản lý nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong  Khu công nghiệp.

Đại tá Bùi Sỹ Tuấn – Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nhận xét, nếu logistic không phát triển thì không làm thể làm "bà đỡ" cho doanh nghiệp được. Nghệ An đang quyết tâm thay đổi cung cách phục vụ, lo nỗi lo cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên mấu chốt vấn đề là phụ thuộc doanh nghiệp và lượng hàng. Tỉnh cần tối đa các ưu đãi để thu hút được nhiều DN sản xuất hàng hóa và các DN hoạt động logistic.  

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp cũng có ý kiến để tháo gỡ hoạt động logistic cùng tỉnh Nghệ An. Ý kiến các doanh nghiệp cho rằng đây là dịch vụ hết sức quan trọng, đảm bảo giảm tải chi phí và hỗ trợ doanh nghiệp rất lớn trong  quá trình sản xuất. Hàng hóa cũng không thường xuyên nên các hãng tàu vận tải container cũng chưa nhiều, hiện chỉ có 2 hãng hoạt động tại cảng Cửa Lò.

Ông Pratuang Glaiglangdon, đại diện Công ty WHA Hemaraj: "Phía chính quyền và các công ty cần phối hợp với nhau trong vấn đề phát triển logistic". Ảnh: Trân Châu
Đồng chí Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, cho rằng Nghệ An cần sớm tháo gỡ nút thắt logistic để các bên: doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp dịch vụ đều có lợi. Nghệ An cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp logistic hoạt động. Tỉnh sẽ thành lập tổ công tác kết nối với các doanh nghiệp logistic, doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, doanh nghiệp XNK hàng hóa với mục đích thông tin cho các doanh nghiệp về hoạt động này và hỗ trợ nhau cùng phát triển. 

Để hoạt động logistic sắp tới triển khai tốt hơn, Nghệ An mong muốn Tân Cảng Sài Gòn, Công ty CP Logicstic U&I… tham mưu để Nghệ An có bước tiến mới về dịch vụ logistic. 

Cảng Cửa Lò vận chuyển hàng container. Ảnh: Trân Châu