Cảng Tiên Sa (Cảng Đà Nẵng) giai đoạn 2 đã đi vào hoạt động, nâng công suất thiết kế tối đa của cảng lên đến 12 triệu tấn. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông kết nối vào cảng Tiên Sa hiện đã có biểu hiện quá tải với lượng xe lưu thông ngày một tăng, tần suất kẹt xe cũng có chiều hướng gia tăng rõ rệt.
Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 mới đi vào hoạt động đã được báo động quá tải |
Để giảm lưu lượng xe, thành phố đã áp dụng khung giờ cấm lưu thông container, tuy nhiên phương án này dẫn đến hoạt động giao thương của cảng Đà Nẵng bị ảnh hưởng. Trước thực trạng này, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng Liên Chiểu được chính quyền TP. Đà Nẵng chọn làm giải pháp tháo gỡ “mấu chốt”.
Tại hội thảo chuyên đề “Cơ hội mở rộng đầu tư đối với doanh nghiệp năm 2018” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức mới đây, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Đà Nẵng – Trần Văn Sơn – cho biết, Dự án cảng Liên Chiểu đã được trình Thủ tướng. Trong đó, kế hoạch là từ năm 2018-2020 sẽ phải triển khai xây dựng một phần cảng Liên Chiểu.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo sau năm 2030, lượng hàng hóa thông qua cảng Tiên Sa sẽ tăng ít nhất 30% (đạt hơn 10 triệu tấn). Khi đó, năng lực đáp ứng của cảng Tiên Sa sẽ đạt cực đại, giao thông càng khó có thể đáp ứng được nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Về việc cảng Đà Nẵng muốn tiếp tục xin đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Đà Nẵng khuyến nghị cảng Đà Nẵng chủ động chuẩn bị tích cực, và xin chủ trương thành phố để có thể thực hiện di dời trước một phần hoạt động của cảng.
Mô hình xây dựng cảng Liên Chiểu. Nguồn: Bộ GTVT |
Gắn liền với việc hình thành cảng Liên Chiểu, vấn đề đầu tư hậu phương cảng (dịch vụ logictics) cũng được TP. Đà Nẵng tính tới. Hiện Sở Xây dựng Đà Nẵng đã tiến hành quy hoạch một khu đất diện tích khoảng 50ha tại khu vực tuyến trường tránh thuộc xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) để xây dựng khu dịch vụ logictics.
Để đầu tư xây dựng khu dịch vụ này, dự kiến, TP. Đà Nẵng đưa ra 2 phương án đó là thu hút một đơn vị doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng khu dịch vụ, sau đó, cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ logictics thuê lại (giống như mô hình KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Cầm Đà Nẵng); thứ 2 là thành phố sẽ thực hiện giải tỏa đền bù và thực hiện cho doanh nghiệp đấu giá đất. Trong 2 phương án này, TP. Đà Nẵng nghiêng về phương án số 1. Đà Nẵng cũng khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logictics mạnh dạn đầu tư vào khu dịch vụ để logictics Đà Nẵng có bước khởi sắc và đúng với vị trí là trụ cột thứ 4 trong phát triển kinh tế Đà Nẵng trong tương lai.