Bà Rịa – Vũng Tàu khai thác lợi thế, tiềm năng kinh tế biển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu liên tục nhiều khóa gần đây đều xác định mục tiêu tăng trưởng của địa phương gắn liền với việc khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, trong đó phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch. Tuy nhiên, thực tế phát triển tại địa phương đã và đang bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế trong việc biến những lợi thế, tiềm năng này thành động lực của sự phát triển.

 

 

Bà Rịa - Vũng Tàu khai thác lợi thế, tiềm năng kinh tế biển

Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: ĐÌNH NAM

 

Nhiều khó khăn, bất cập

Nếu so với các địa phương có biển trong cả nước, Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh hội tụ nhiều và đầy đủ những thế mạnh của ngành kinh tế mũi nhọn này. Ngoài vai trò là trung tâm của ngành công nghiệp dầu khí cả nước, Bà Rịa – Vũng Tàu còn là cửa ngõ hàng hải của cả khu vực Nam Bộ, với hệ thống cảng nước sâu hiện đại nhất hiện nay. Ðây cũng là địa phương có đội tàu khai thác thủy sản lớn thứ hai (sau Kiên Giang), với hơn sáu nghìn phương tiện đánh bắt; là một trong những địa danh nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam…

Những lợi thế này, nhiều năm qua, đã là động lực quan trọng để Bà Rịa – Vũng Tàu duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trở thành một trong ba địa phương có số thu ngân sách đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều lợi thế, tiềm năng của địa phương vẫn chưa được khai thác và phát huy hiệu quả. Vẫn tồn tại mâu thuẫn giữa nhiều lĩnh vực, sự thiếu quyết liệt trong quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. Ðơn cử như trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản, dù là địa phương có số phương tiện khai thác thủy sản lớn thứ hai cả nước, nhưng số phương tiện hành nghề "giã cào" chiếm tới hơn 1.500 chiếc. Ðây là hình thức đánh bắt có tính tận diệt, không được khuyến khích. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã gửi thông báo đến tất cả cơ sở đóng, sửa tàu thuyền trên địa bàn, yêu cầu không nhận hợp đồng đóng mới đối với các loại tàu làm nghề "giã cào". Tuy nhiên trên thực tế, hình thức khai thác này lại đóng góp tới gần 70% sản lượng khai thác thủy sản của địa phương. Việc chuyển đổi ngành nghề cho các lao động làm nghề "giã cào" cũng đang gặp nhiều khó khăn, không thể "một sớm, một chiều" thực hiện được.

Thời gian gần đây, hàng chục hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và thuộc xã đảo Long Sơn, TP Vũng Tàu, lại "khóc ròng" khi hàng trăm tấn cá sắp cho thu hoạch chết trắng lồng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do môi trường nước trên sông Chà Và và các sông, rạch hiện nay trên địa bàn đều đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó, kế hoạch di dời các cơ sở chế biến thủy, hải sản vào các khu chế biến tập trung nhiều lần lỡ kế hoạch. Hệ quả là tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí do các cơ sở chế biến này gây ra đang tạo "xung đột" cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch. Ðây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến du lịch Vũng Tàu nhiều năm qua không thoát ra được "chiếc áo bình dân" vốn đã được mặc định trong suy nghĩ của nhiều du khách.

Cùng với những bất cập trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện nhiều lợi thế của địa phương chưa phát huy hết hiệu quả bởi sự lúng túng, lỏng lẻo trong liên kết giữa các địa phương, thiếu nhất quán trong quy hoạch vùng phát triển. Ðiển hình nhất là hệ thống cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải. Việc chậm di dời các cảng tại TP Hồ Chí Minh theo kế hoạch; thiếu đồng bộ trong phát triển hệ thống giao thông kết nối, đã khiến hệ thống cảng nước sâu hiện đại nhất cả nước này hằng năm chỉ khai thác được chừng 30 đến 40% công suất, gây lãng phí rất lớn tài nguyên quốc gia, tài sản của Nhà nước và các nhà đầu tư. Mới đây nhất, tại Hội nghị Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, hệ thống giao thông kết nối vùng, kết nối các cảng nước sâu với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực quá yếu kém, từ lâu đã trở thành "điểm nghẽn" của sự phát triển.

Thiếu những giải pháp quyết liệt

Ðể đánh thức tiềm năng du lịch biển và tạo ra những sản phẩm du lịch mới, Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng tuyến đường ven biển nối TP Vũng Tàu với các huyện Long Ðiền, Ðất Ðỏ, Xuyên Mộc và với tỉnh Bình Thuận, dài hàng chục km, đi qua các làng chài, vốn nhiều đời chỉ quen nghề đánh bắt thủy, hải sản. Nhờ đó, hàng loạt nhà đầu tư các dự án du lịch lớn đã tìm về đây, trong đó có không ít dự án có số vốn đầu tư lên tới cả tỷ USD, có tính dẫn dắt, định vị một thương hiệu du lịch biển uy tín. Tuy nhiên, cũng chính trên con đường du lịch ven biển này, tình trạng chia lô, cát cứ của nhiều doanh nghiệp đã tồn tại nhiều năm, trong đó có không ít dự án "ngủ quên" hoặc xảy ra tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trịnh Hàng cho biết, việc rà soát các dự án du lịch chậm triển khai, mời gọi các nhà đầu tư có đẳng cấp vào đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian qua. Ðịa phương quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung chủ yếu vào năm trung tâm du lịch và vùng du lịch được xác định là TP Vũng Tàu; cụm du lịch Long Hải – Phước Hải; cụm du lịch Núi Dinh – Bà Rịa; cụm du lịch Bình Châu – Hồ Tràm và cụm du lịch Côn Ðảo… Tuy nhiên trên thực tế, vẫn có rất ít những nhà đầu tư đẳng cấp, có tính dẫn dắt thị trường "gõ cửa" Bà Rịa – Vũng Tàu để đánh thức những tiềm năng còn đang "ngủ quên" của vùng đất này.

Chủ tịch HÐQT Công ty thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Ðảo Lê Văn Kháng chia sẻ, tuy là địa phương có thế mạnh về đội tàu khai thác thủy sản nhưng các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản của địa phương thường xuyên thiếu nguyên liệu. Giá nguyên vật liệu đầu vào như xăng dầu tăng, nhân lực đi biển thiếu, ngư trường cạn kiệt đang là nguyên nhân chính khiến hàng nghìn tàu cá nằm bờ, không dám ra khơi. Thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ bà con ngư dân nhưng nhìn chung những chính sách này chưa thật sự giúp ngư dân yên tâm bám biển. Ðó là chưa kể hàng loạt những vấn đề, liên quan trực tiếp hay gián tiếp, đến cuộc sống của những hộ dân vùng ven biển hay sinh sống bằng nghề biển, vẫn chưa được xử lý dứt điểm, như: thiếu các cơ sở y tế, giáo dục, tình trạng sạt lở, ô nhiễm bờ biển…

Những bất cập trong khai thác, phát triển kinh tế biển tại địa phương đều đã được lãnh đạo địa phương cũng như các chuyên gia, nhà khoa học chỉ ra tại nhiều hội nghị nhưng kết quả triển khai các giải pháp khắc phục lại không được như mong đợi.

Từ nhiều năm trước, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng quy hoạch khu vực chế biến thủy sản tập trung để tạo không gian cho phát triển du lịch, nhưng kể từ đó đến nay, các cơ sở chế biến này vẫn tồn tại. Năm 2007, tỉnh Bà Rịa –
Vũng Tàu ban hành Quyết định 762 quy hoạch vùng nuôi thủy sản trên sông Chà Và trong bối cảnh nghề nuôi trồng thủy sản ở đây còn rất manh mún. Năm 2015, do số lượng lồng bè gia tăng quá nhanh, tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 167 thay thế cho Quyết định 762, quy hoạch lại vùng nuôi, nhưng hiện nay số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và vẫn tăng nhanh, tiếp tục phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng an toàn giao thông đường thủy… Tỉnh công khai xây dựng bộ tiêu chí thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư về du lịch, tuy nhiên trên thực tế vẫn để "lọt" không ít những nhà đầu tư thiếu năng lực, không có khả năng thực hiện dự án. Ðó là chưa kể hàng loạt vấn đề khác chưa được tổng kết, thống nhất, rút kinh nghiệm, như về khai thác khoáng sản trên biển, lấn biển, về ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, về bảo vệ tài nguyên và hệ sinh thái biển…

Nhìn ra những khó khăn, bất cập, những "xung đột" giữa các lĩnh vực vốn là thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế biển sẽ giúp Bà Rịa – Vũng Tàu chủ động xây dựng những giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, những giải pháp này có phát huy hiệu quả hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị tại Bà Rịa – Vũng Tàu.