Ưu tiên vốn bảo trì xử lý hậu quả thiên tai

Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, cần dành nguồn vốn dự phòng của Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư cho xử lý hậu quả thiên tai.

 

 

11

Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp sơ kết Hội đồng quỹ 6 tháng đầu năm – Ảnh: Duy Trần

Phát biểu tại cuộc họp sơ kết hoạt động Quỹ Bảo trì đường bộ 6 tháng đầu năm diễn ra chiều qua (25/7), Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư Trương Quang Nghĩa cho rằng, thời gian tới cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn dự phòng, trong đó ưu tiên khắc phục hậu quả bão lũ, đảm bảo ATGT.

6 tháng thu phí đạt 58% kế hoạch năm

Báo cáo tình hình hoạt động quỹ, ông Nguyễn Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ T.Ư cho biết, tính đến hết ngày 30/6, các phương tiện ô tô nộp phí qua các trạm đăng kiểm đạt trên 3.500/7.000 tỷ đồng kế hoạch giao, đạt trên 119% so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 58% kế hoạch thu cả năm 2017. Trung bình 1 ngày làm việc số thu đạt trên 22,5 tỷ đồng.

"Tới đây, cần chuẩn bị chu đáo đề cương tổng kết 5 năm hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ. Báo cáo tổng kết 5 năm cần đánh giá chính xác hoạt động của quỹ trong thời gian qua. Thời gian dự kiến, tổng kết trong tháng 10/2017 đã rất gấp, nội dung chuẩn bị chưa nhiều. Vì vậy, cần phải khẩn trương chuẩn bị cho công tác này”.

Bộ trưởngTrương Quang Nghĩa

Tuy nhiên, theo ông Minh, gần đây có nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới của tư nhân mới được cấp phép hoạt động. Số lượng các trung tâm đăng kiểm tăng nhanh làm cho công tác quản lý, theo dõi, đối chiếu thu phí gặp khó khăn hơn. Bản thân các trung tâm mới ra đời chưa nắm chắc các quy định nên cũng gặp một số sai sót trong công tác thu, nộp phí.

“Qua kiểm tra công tác thu phí, một số trạm đăng kiểm tư nhân thủ tục tài chính chưa đạt yêu cầu. Mặc dù đã có chương trình, kế hoạch nhưng có những trạm không có người tiếp đoàn kiểm tra, hay cử người không có trách nhiệm tiếp đoàn. Vì vậy, cần có biện pháp xử lý đối với các trạm đăng kiểm tư nhân không chấp hành nguyên tắc”, ông Minh nói.

Chỉ đạo vấn đề này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, thời gian qua, công tác đăng kiểm đã được xã hội hóa mạnh mẽ. Tuy nhiên, chất lượng các trung tâm đăng kiểm không đồng đều. Một thành phố có nhiều trạm đăng kiểm được phép hoạt động, dẫn tới sự cạnh tranh nhau bằng hình thức khuyến mại không lành mạnh. “Cục Đăng kiểm VN cần đặc biệt lưu tâm đến công tác quản lý chất lượng các trung tâm này. Nếu không quản lý tốt, hậu quả sẽ dẫn đến TNGT ngay”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Ưu tiên vốn dự phòng cho bão lũ

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, thiệt hại do bão lũ năm nay rất nặng nề. Bão lũ đã gây thiệt hại lớn cho kết cấu hạ tầng giao thông tại địa bàn 16 tỉnh và 2 cục quản lý đường bộ. Khối lượng sạt taluy lên đến 700.000m3, mặt đường hư hỏng 61.000m2, kinh phí khắc phục bước 1 ước tính trên 170 tỷ đồng. Tổng cục Đường bộ VN đang chỉ đạo các đơn vị khắc phục bước 1, đảm bảo giao thông.

Ông Khuất Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng kiến nghị, cần sớm phân bổ nguồn dự phòng chưa phân bổ trong năm 2017 trên 700 tỷ đồng, trong đó tập trung phân bổ khắc phục hậu quả bão lũ vừa xảy ra tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh miền Trung. Với kế hoạch bảo trì năm 2017, đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng cho rằng, Tổng cục Đường bộ VN cần chỉ đạo các đơn vị quản lý chặt chẽ khối lượng, chất lượng bảo dưỡng thường xuyên phần kinh phí bổ sung trong năm.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đối với nguồn vốn dự kiến vượt thu nên tập trung xử lý hậu quả mưa lũ và đảm bảo ATGT như: Xử lý điểm đen TNGT, xử lý mất ATGT tại các điểm giao giữa đường sắt và đường bộ. “Cần xây dựng kế hoạch để xử lý tốt công tác này, trong đó cần thống kê cụ thể các điểm và số tiền cần bố trí”, vị đại diện này đề xuất.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, phải coi khoản dự kiến vượt thu là khoản chuyển, đề nghị bổ sung tăng thêm khoản chi cho kế hoạch vốn năm sau. Theo Bộ trưởng, việc chi cho công tác bảo trì, bảo dưỡng đường sẽ ngày càng nặng nề, vì thời tiết ngày càng phức tạp. Vì vậy, cần dành nguồn vốn dự phòng của quỹ cho xử lý hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, khi sử dụng nguồn vốn này, cần lưu ý, hậu quả của thiên tai năm trước, đến năm nay trở thành việc phải làm. Khi hỏng 10 công trình, đã khắc phục được 2 thì 8 công trình còn lại sẽ nằm trong kế hoạch chi tiêu của năm tới, không thể dùng vốn dự phòng để làm các công trình này mà phải dành cho công trình mới phát sinh.

“Nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện tướng đối tốt, nguồn thu mạch lạc. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc dẫn đến chậm phân bổ nguồn vốn 35% cho các địa phương”, Bộ trưởng đánh giá và yêu cầu, các cơ quan, đơn vị liên quan phải giám sát chặt việc chi nguồn vốn này dành cho bảo trì đường bộ tại các địa phương, tránh việc sử dụng không đúng mục đích. Theo chủ trương chung của Ủy ban ATGT Quốc gia, khoản chi này phải trích một phần để tăng cường đảm bảo ATGT, làm gờ giảm tốc tại các nút giao giữa đường sắt và đường bộ.