Vì sao Vinalines IPO chưa hiệu quả?

logo_infonet
Sai phạm tại Cảng Quy Nhơn: Cảng có vị trí chiến lược quan trọng thế nào?
18/09/2018
logo_giaothong
Tính năng Multi-voice cho thiết bị Fleetbroadband
01/10/2018
logo_haiQuan

Vừa qua, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã thực hiện phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Tổng số cổ phần chào bán lần đầu ra công chúng của Vinalines là gần 489 triệu đơn vị nhưng khối lượng đăng ký mua chỉ hơn 5,4 triệu.

Kết quả kinh doanh của vinalines mới chỉ bước vào giai đoạn phục hồi. Ảnh: ST.

Điều gì hấp dẫn nhà đầu tư

Theo báo cáo của Vinalines, hiện Tổng công ty có 85 tàu với tổng trọng tải 1,8 triệu tấn, chiếm 25% tổng trọng tải đội tàu biển quốc gia. Hệ thống cảng biển của Vinalines hiện diện từ Bắc đến Nam với tổng chiều dài 13km, chiếm 1/5 tổng chiều dài cầu cảng cả nước.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này chỉ mới bước vào giai đoạn phục hồi sau thời gian dài thua lỗ.

Cách đây 4 năm, lỗ lũy kế của Vinalines lên tới 22.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 5.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ Nhà nước giao là 10.000 tỷ đồng. Tuy vậy, qua thời gian tái cơ cấu, hiện Vinalines đã “thoát đắm”, khi số nợ của doanh nghiệp giảm xuống chỉ còn khoảng 2.000 tỷ đồng; vốn điều lệ sau CPH nâng lên hơn 14.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng cuối năm, Vinalines đặt chỉ tiêu lãi gần 144 tỷ đồng, sau khi báo lỗ khoảng 1.100 tỷ trong nửa đầu năm. Trong hai năm tới, doanh nghiệp này dự kiến lợi nhuận sau thuế sẽ dần tăng trưởng từ 177 tỷ đồng lên hơn 233 tỷ đồng.

Giải thích về dự báo lợi nhuận trên, Vinalines cho biết, thị trường vận tải biển phục hồi chậm những năm đầu giai đoạn 2018 – 2020 nên doanh nghiệp đang tập trung tái cơ cấu đội tàu, bán bớt một số tàu không hiệu quả. Đồng thời, Vinalines phải xử lý tài chính tại thời điểm chuyển sang công ty cổ phần theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Theo đó, các khoản chênh lệch đánh giá lại vốn đầu tư giảm so với xác định giá trị doanh nghiệp do giảm giá chứng khoán, thua lỗ hạch toán vào kết quả kinh doanh. Các khoản cơ cấu nợ qua Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) phải hạch toán tăng ở phần vốn nhà nước. Khi tổng công ty chuyển sang cổ phần mới được hạch toán thu nhập.

Giai đoạn 2006 – 2010, Vinalines đã đầu tư đội tàu với giá trị mua rất cao, chi phí vận hành rất lớn. Đến nay do một số tàu hoạt động kém hiệu quả, Vinalines đã tiến hành thanh lý. Đó là nguyên nhân lợi nhuận trong mấy năm qua âm. Song, khi đội tàu đã cơ bản được tái cấu trúc, hoạt động năng suất hơn, Vinalines hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đề ra là lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 700 tỷ đồng vào năm 2019 và hơn 950 tỷ đồng vào năm 2020. Đồng thời, ngay trong quý III/2018, Vinalines sẽ thoái vốn hết tại các doanh nghiệp gây thua lỗ, chỉ giữ lại các doanh nghiệp mang lại lợi ích trong định hướng phát triển dịch vụ chuỗi logistics trọn gói của Tổng công ty.

Diễn biến bất ngờ

Trái ngược với những gì mà Vinalines mong đợi từ phiên IPO, theo thông báo kết quả của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), phiên đấu giá cổ phần thu hút sự quan tâm của 42 nhà đầu tư, gồm 2 nhà đầu tư tổ chức và 40 nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, kết thúc phiên đấu giá, chỉ có 41 nhà đầu tư tham gia hợp lệ với hơn 5,4 triệu cổ phần được đăng ký mua, chiếm 1,11% tổng số lượng cổ phần chào bán và tương đương 0,38% vốn điều lệ.

Với mức đấu giá thành công bình quân 10.002 đồng mỗi cổ phần, Vinalines chỉ thu về hơn 54 tỷ đồng từ việc IPO, so với mức kỳ vọng ban đầu gần 5.000 tỷ đồng.

Theo phương án CPH đã được thông qua trước đó, Vinalines dự kiến chào bán IPO gần 489 triệu cổ phần (tương đương 34,8% vốn điều lệ), bán cho cán bộ công nhân viên 0,2%, qua đó giảm sở hữu Nhà nước tại Tổng công ty này xuống 65%. Tuy nhiên, với việc chỉ bán được 0,38% vốn trong phiên IPO, sở hữu Nhà nước tại Tổng công ty hiện vẫn chiếm hơn 99%.

Được biết, số lượng cổ phần IPO của Vinalines đã có sự thay đổi so với phương án ban đầu tại Quyết định số 751/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 20/6/2018.

Cụ thể, trước đó, theo phương án cổ phần hóa Vinalines, vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hoá là 14.046 tỷ đồng, tương ứng 1.404,6 triệu cổ phần. Trong đó, giá trị phần vốn Nhà nước là 11.946 tỷ đồng. Cơ cấu vốn bao gồm: Cổ phần Nhà nước hơn 912 triệu cổ phần, chiếm 65% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 207,8 triệu cổ phần, chiếm 14,8% vốn điều lệ. Cổ phần bán đấu giá công khai là 280,9 triệu cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại được bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đối với 207,8 triệu cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược đã không thể thực hiện được như kế hoạch bởi chỉ có Công ty TNHH SK Securities đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược nhưng lại không đáp ứng đủ điều kiện để tiến hành bán vốn. Do đó, số cổ phần này đã được “cộng dồn” vào số lượng cổ phần chào bán công khai trong đợt IPO lần này của Vinalines.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, tuy có nhiều nhà đầu tư “để mắt” nhưng với diễn biến khó khăn chung của thị trường chứng khoán cũng như sự bất định của dòng vốn đầu tư quốc tế chảy vào Việt Nam trong thời gian tới, đợt IPO của Vinalines đã dẫn đến kết quả đạt được chưa như mong muốn. Đồng thời, với các nhà đầu tư, muốn mua cổ phiếu thì cũng phải có một nguồn lực tài chính nhất định. Nếu nhà đầu tư mua để đầu cơ sẽ phải tính toán rất kỹ xem nên đầu tư vào doanh nghiệp nào, cơ hội sinh lời ra sao.