Thoát lỗ ngoạn mục
“Sức khỏe” tài chính của Vinalines được phản ánh khá chân thực qua Kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản; thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp của Vinalines vừa được Bộ Giao thông – Vận tải công bố và Báo cáo Giám sát tài chính của Công ty mẹ – Vinalines trong 6 tháng đầu năm 2017.
Theo đó, sau hơn 3 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu theo Quyết định số 276/QĐ-TTg (2013 – 2016), Vinalines đã “nổi” trở lại, cơ bản thoát khỏi nguy cơ phá sản cận kề.
Cảng Hải Phòng là một trong 3 trụ cột kinh doanh quan trọng của Vinalines, cùng với Cảng Đà Nẵng và Sài Gòn. |
Ghi nhận của Thanh tra Bộ Giao thông – Vận tải cho thấy, tính đến ngày 31/12/2016, vốn chủ sở hữu của Vinalines đạt 6.423 tỷ đồng vào năm 2016, sau khi bị âm (-) 8.727 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, sau nhiều năm chìm đắm trong thua lỗ, kết quả kinh doanh của ông lớn trong lĩnh vực vận tải và khai thác cảng biển đã có bước phục hồi, từ lỗ 8.045 tỷ đồng vào năm 2012, đã dần cân bằng và có lãi (năm 2016 lãi 33 tỷ đồng); lỗ lũy kế giảm 78% từ 23.032 tỷ đồng năm 2013 xuống còn 5.040 tỷ đồng năm 2016.
Trên thực tế, đà phục hồi của Vinalines đã xuất hiện rõ nét từ năm 2015, khi lợi nhuận từ sản xuất – kinh doanh đã đạt 253 tỷ đồng. Nếu không phải bù trừ cho khoản lỗ từ hoạt động tài chính (- 404 tỷ đồng), Vinalines đã có thể sớm đạt điểm hòa vốn ngay từ năm ngoái.
Đặc biệt, tính đến ngày 30/6/2017, Công ty mẹ – Vinalines đã xử lý giảm nợ tại 18 tổ chức tín dụng (TCTD) trong và ngoài nước so với 24 TCTD trước tái cơ cấu (trong đó đưa dư nợ về bằng 0 tại 15 TCTD), với tổng dư nợ ước tính 3.277,9 tỷ đồng (trong đó, dư nợ gốc là 2.652,67 tỷ đồng, dư nợ lãi là 625,23 tỷ đồng), giảm 71,4% so với thời điểm trước tái cơ cấu (ngày 31/12/2013 là 11.425 tỷ đồng).
“Mặc dù mức lợi nhuận đạt được trong thời gian qua còn khá mỏng, đặc biệt nếu xét về tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, nhưng đây thực sự là cú huých không thể tốt hơn trước khi doanh nghiệp “anh cả” trong lĩnh vực vận tải và khai thác cảng trước thềm IPO”, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải cho biết.
Tính tổng cộng, sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu, Công ty mẹ giảm được 9.875 tỷ đồng nợ (gồm nợ gố 7.800 tỷ đồng, nợ lãi 2.075 tỷ đồng), trong đó xóa được 4.894 tỷ đồng, đưa dư nợ về còn 28,6%, vượt kế hoạch giảm nợ cả năm 2017 thông qua việc triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý nợ như: mua bán nợ thông qua công ty mua bán nợ, hoán đổi nợ thành cổ phần, chuyển nợ, trả nợ theo dòng tiền, xử lý nợ theo các cơ chế đăc thù.
“Dự kiến 6 tháng cuối năm 2017, Công ty mẹ sẽ tiếp tục đàm phán để xử lý giảm thêm 969 tỷ đồng nợ”, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Vinalines cho biết.
Thoái vốn hiệu quả
Hoạt động tái cơ cấu đầu tư cũng là một điểm sáng của Vinalines trong thời gian qua. Đối với các dự án đóng tàu, Tổng công ty đã dừng thực hiện và bán thanh lý toàn bộ các dự án đóng tàu dở dang.
Chỉ tính riêng quý II/2017, Vinalines đã thực hiện bán thanh lý 4 tàu là Vinalines Global của Công ty VTB Vinalines; tàu Hoa Lư và tàu Âu Cơ 01 của Công ty cổ phần Vinalines Nha Trang; tàu Sông Ngân của Công ty cổ phần VTB Việt Nam.
Đối với các dự án đầu tư hạ tầng, Vinalines đã dừng và bàn giao Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong về Cục Hàng hải Việt Nam và bàn giao Dự án Hợp phần B – Dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng giai đoạn khởi động cho Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải.
Hiện tại, Tổng công ty tập trung đầu tư xây dựng cảng Vinalines Đình Vũ và cảng Vinalines Hậu Giang.
Liên quan đến công tác thoái vốn, trong 6 tháng đầu năm 2017, Công ty mẹ thực hiện thoái vốn tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, thu về gần 82 tỷ đồng.
Như vậy, cho đến nay, Vinalines đã thực hiện thoái vốn tại 39 doanh nghiệp (trong đó, thoái vốn toàn bộ, thu gọn đầu mối được 31 doanh nghiệp, đăc biệt đã thoái toàn bộ vốn đầu tư tại hầu hết các doanh nghiệp ngoài ngành) với tổng số tiền thu về khoảng 2.428 tỷ đồng, lãi khoảng 360 tỷ đồng.
Cần phải nói thêm rằng, trong lộ trình tái cơ cấu giai đoạn 2017 – 2020, vào tháng 7/2017, Vinalines đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về phương án tỷ lệ nắm giữ vốn của Tổng công ty tại các doanh nghiệp thành viên.
Theo đó, ba cảng biển trọng yếu (Hải Phòng, Đà Nẵng và Sài Gòn) sẽ là những trụ cột kinh doanh quan trọng mà Vinalines cần nắm giữ 65% vốn điều lệ. Các công ty cảng còn lại sẽ được Vinalines duy trì tỷ lệ nắm giữ ở mức cao, gồm: Công ty cổ phần Cảng Khuyến Lương (nắm 49% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh (nắm 51% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ (nắm 51% vốn điều lệ)…
Trong khi đó, Vinalines sẽ chỉ nắm 49% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) và 36% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship và giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ tại các doanh nghiệp dịch vụ gồm: Công ty cổ phần Vinalines Logistics Việt Nam (56,72%), Công ty cổ phần Đại lý hàng hải Việt Nam (51,05%), Công ty cổ phần Phát triển hàng hải Việt Nam (51%).
“Sau khi được Thủ tuớng Chính phủ chấp thuận, Tổng công ty sẽ triển khai cơ cấu lại tỷ lệ nắm giữ vốn tại các doanh nghiệp thành viên theo phương án được duyệt”, Chủ tịch HĐTV Vinalines cho biết.