Cầu Đuống có tĩnh không thấp, đang là "điểm nghẽn" trên Hành lang vận tải số 1 ở phía Bắc.
Cầu Đuống có dòng chảy phức tạp, tĩnh không cầu hẹp gây cản trở vận tải thủy trên hàng lang vận tải Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội – Việt Trì
|
Sáng 28/7, tại Hà Nội, Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức hội thảo về kết nối vận tải thủy và các phương thức vận tải tại khu vực phía Bắc. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý, nghiên cứu, doanh nghiệp vận tải trong nước và Chính phủ vùng Flander, Vương quốc Bỉ.
Ông Hoàng Minh Toàn, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, Việt Nam có hơn 3.500 con sông, kênh rạch lớn nhỏ, với tổng chiều dài khoảng 41.000km. Trong đó, 38% có khả năng khai thác vận tải. Hiện vận tải thủy đang chiếm 18% và mục tiêu đến năm 2020 đạt khoảng 30% tổng thị phần vận tải của ngành GTVT.
Nhằm thực hiện mục tiêu trên, ngành Đường thủy đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để thúc đẩy phát triển vận tải, tuy nhiên trên một số tuyến vận tải chính vẫn còn những hạn chế gây cản trở phương tiện lưu thông, cũng như thiếu sự kết nối vận tải giữa đường thủy với các phương tiện vận tải khác.
Hội thảo có sự tham gia của đại biểu trong nước và Chính phủ vùng Flander Bỉ
|
Trên mạng lưới vận tải phía Bắc, thông tin đáng chú ý đưa ra tại Hội thảo là hành lang vận tải thủy số 1 (Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội – Việt Trì) qua sông Đuống dù đã được nâng cấp đáng kể, giúp phương tiện thủy đi lại thuận lợi hơn. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất trên đoạn tuyến này vẫn là cầu Đuống (sông Đuống, cầu đi chung đường bộ và đường sắt, Hà Nội), với khoang thông thuyền hẹp và thấp (2,3- 2,8m trong mùa lũ) đang làm giảm hiệu quả vận tải toàn tuyến. Vì vậy, cần giải quyết dứt điểm việc nâng tĩnh không cầu Đuống để tạo thuận lợi cho giao thông thủy.
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, để tránh “tắc đường” ở cầu Đuống trong mùa lũ, hàng ngàn tàu thuyền trên tuyến giao thông thủy từ Quảng Ninh về Việt Trì phải đi vòng, xa hơn gần 100km. Cụ thể, tàu thuyền thay vì đi qua sông Cấm, sông Kinh Thầy về sông Đuống, qua sông Hồng lên Việt Trì sẽ phải chạy theo tuyến qua sông Luộc về Hưng Yên, rồi chạy ngược sông Hồng qua Hà Nội tới Việt Trì.
Được biết, cách đây gần 3 năm, dự án nâng cấp cầu Đuống đã được Cục Đường thủy nội địa VN kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo hình thức BOT, BT, với quy mô vốn 800 tỷ đồng (ngân sách 160 tỷ đồng, nhà đầu tư 640 tỷ đồng), tuy nhiên đến nay vẫn chưa có nhà đầu đăng ký dự án.
Theo ông Đỗ Cường Quốc, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH Cảng Hải Linh thông tin, đơn vị đã mở tuyến vận tải container từ Việt Trì đi Hải Phòng, nhưng trong mùa lũ không thể lưu thông được qua cầu Đuống, khiến hàng hóa bị dồn ứ tại cảng.
Ông Wouter Vanhees, Tham tán thương mại và đầu tư vùng Flanders, Bỉ cho biết, Việt Nam và vùng Flanders có đặc điểm giao thông thủy tương đồng, Chính phủ vùng Flanders sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam thực hiện các giải pháp để thúc đẩy phát triển GTVT đường thủy, trong đó có vận tải thủy phía Bắc.