Quy chuẩn không chính xác đẩy cảnh sát giao thông vào thế khó

Trượt chuyên viên chính vẫn được bổ nhiệm Cục trưởng Hàng hải?
02/08/2017
logo
Cận cảnh cao tốc Đà Nẵng – Tam Kỳ trước giờ thông xe
02/08/2017

Quy chuẩn không chính xác đẩy cảnh sát giao thông vào thế khó

Thông tư 06/2016 của Bộ GTVT (gọi tắt là Quy chuẩn 41) đã có hiệu lực được hơn 7 tháng, song cho đến nay rất nhiều “hạng mục” lộ rõ bất cập. Một số quy định chưa rõ ràng và sai luật trong Quy chuẩn 41 đã khiến cho công tác thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT thêm phần khó khăn.

Quy chuan khong chinh xac day canh sat giao thong vao the kho - Anh 1

CSGT Hà Nội lo lắng nếu hàng trăm nghìn xe tải loại dưới 1.500 kg được “sổ lồng” đi như xe ô tô con thì các tuyến phố sẽ lâm vào cảnh ùn tắc giao thông trầm trọng

Trong khi chờ thông báo kết quả xử lý văn bản của Bộ GTVT theo kiến nghị của Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp) về một số nội dung liên quan đến quy định về xe tải, xe con, đèn vàng thì hàng ngày lực lượng CSGT vẫn đang phải đối mặt với bức xúc của người dân.

Lo giao thông hỗn loạn

Trước khi Quy chuẩn 41 có hiệu lực, CATP Hà Nội đã có Công văn số 4209 ngày 31-10-2016 gửi Sở GTVT Hà Nội để đề nghị điều chỉnh, thay thế, bổ sung hệ thống biển báo, vạch sơn cho phù hợp với Quy chuẩn mới làm căn cứ pháp lý cho lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt. Tuy nhiên, cho đến nay, dù đã hơn 7 tháng Quy chuẩn có hiệu lực song phần lớn những nội dung trong kiến nghị này vẫn chưa được đơn vị chức năng liên quan giải quyết.

Trở lại với câu chuyện Quy chuẩn 41 quy định xe ô tô chở hàng với khối lượng hàng chuyên chở cho phép dưới 1.500 kg là xe ô tô con, chỉ huy Phòng CSGT đã liệt kê hàng loạt những thông tư, văn bản phản bác lại điều này.

Cụ thể, trong phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng và theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc tờ khai nguồn gốc xe ô tô nhập khẩu do Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cấp đối với các xe ô tô chở hàng (kể cả xe có khối lượng hàng hóa chuyên chở dưới 1.500 kg) đều ghi là xe tải.

Việc Quy định xe tải “biến” thành xe ô tô con như Quy chuẩn 41 không chỉ “đá” với các quy định của các bộ, ban ngành khác mà còn “đè” lên ngay cả Thông tư 63/2014 của chính Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Theo Thông tư 63 này, xe có khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500 kg được coi là xe tải.

“Hiện chúng tôi rất vất vả trong việc phân luồng, điều chỉnh dòng phương tiện. Trên thực tế đã có không ít lái xe tải cố tình điều khiển xe tải loại dưới 1.500 kg vào trong phố nội đô kể cả trong giờ cao điểm. Khi CSGT kiểm tra, họ vin vào việc thực hiện theo Quy chuẩn 41. Đã có khá nhiều lái xe gửi đơn thư khiếu nại về việc xử phạt của CSGT vì họ cho rằng việc xử phạt các lỗi đi xe vào phố cấm trên là không đúng theo Quy chuẩn 41”, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT bức xúc.

Quy chuan khong chinh xac day canh sat giao thong vao the kho - Anh 2

Nhiều tuyến phố, ngã tư hiện nay hệ thống vạch sơn, kẻ đường vẫn chưa được thay đổi dù Quy chuẩn 41 có hiệu lực hơn 7 tháng qua

Đằng sau câu chuyện biển báo

Ngoài những nội dung cốt lõi về quy định loại phương tiện sai cơ bản, Phòng CSGT đường bộ – đường sắt cũng phát hiện và kiến nghị đề xuất điều chỉnh một số nội dung về đèn tín hiệu giao thông. Đại úy Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội Tham mưu Tổng hợp, Phòng CSGT đánh giá: Nhiều quy định về đèn tín hiệu giao thông trong Quy chuẩn 41 là mới nhưng không phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, tại Dạng 7, phụ lục A về các dạng đèn tín hiệu, Phòng CSGT đề xuất bổ sung đèn tín hiệu giao thông có dạng xếp modul nằm ngang dành cho người đi bộ. Quy chuẩn 41 chỉ quy định xếp nằm dọc là không phù hợp.

Còn tại Dạng 2, phụ lục A đề xuất quy định màu sắc cho các modul đèn mũi tên xanh, vàng, đỏ trên nền đen đối với đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi xe đạp. Riêng tại Điểm D, mục A2 đề xuất sửa đổi tín hiệu mũi tên màu xanh trên nền màu đen. Tín hiệu vàng thì mũi tên màu vàng trên nền màu đen. Tín hiệu đỏ thì mũi tên màu đỏ trên nền màu đen.

Đáng chú ý, Quy chuẩn 41 quy định về vạch dừng xe tại điểm 7.1 nêu: “Vạch dùng để xác định vị trí người điều khiển phương tiện phải dừng lại khi có tín hiệu đèn đỏ” là trái với quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008. Bên cạnh đó, CSGT cũng đề xuất bổ sung thêm mục quy định riêng về hệ thống biển báo, vạch sơn, đèn tín hiệu… cho xe buýt nhanh BRT. Ngay cả vạch sơn tim đường phân cách hai chiều xe chạy theo quy chuẩn mới là màu vàng nhưng hiện nay hầu như rất ít tuyến phố được sơn, vẽ, kẻ lại vạch sơn theo quy chuẩn.

Trước những bất cập về vạch sơn, biển báo, CATP Hà Nội đã kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT và các đơn vị có liên quan tổ chức rà soát, điều chỉnh lại một số biển báo hiệu, vạch kẻ đường có nội dung sai khác so với Quy chuẩn 41. Theo quy định của Quy chuẩn 41, trước những biển cấm như: Biển cấm rẽ trái, biển cấm rẽ phải, biển cấm rẽ trái và quay đầu xe, biển cấm rẽ phải và quay đầu xe, biển cấm ô tô taxi… đều phải có biển hướng dẫn đặt ở đằng trước.

Quy định này gây lãng phí nghiêm trọng vì số lượng biển phải cắm lại gấp đôi. Qua kiểm tra thực tế của CSGT, hiện nay số lượng lái xe bị tước giấy phép lái xe biết Luật Giao thông, biểu biển báo rất hạn chế. Điều này đã phơi bày thực trạng đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe hiện nay còn quá lỏng lẻo. Nhiều lái xe thậm chí còn không biết lùi xe, gây tắc đường nhưng vẫn có giấy phép lái xe để điều khiển phương tiện.