Doanh nghiệp vận tải điều chỉnh tăng cước phí theo giá xăng dầu

“Chảy máu” nhân lực đóng tàu tay nghề cao
18/05/2018
index
Hàn Quốc mở rộng điều tra vụ bê bối trốn thuế tại Tập đoàn vận tải biển Hanjin
26/05/2018

Doanh nghiệp vận tải điều chỉnh tăng cước phí theo giá xăng dầu

logo

Giá xăng dầu liên tục tăng khiến các doanh nghiệp vận tải hàng hóa phải điều chỉnh cước phí để thoát lỗ.

Tính từ đầu tháng 4, xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng giá 3 lần theo  thế giới, với mức tăng tổng cộng trên 1.700 đồng một lít. Điều này tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh, giá cả hàng hóa, báo VnExpress đưa tin.

Ông Huỳnh Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty vận tải Phú Mỹ cho biết, từ đầu năm, giá xăng tăng liên tục nhưng công ty vẫn cố giữ giá. Thế nhưng, đợt điều chỉnh mới này khiến giá "đội" thêm 1.700-2.000 đồng một lít nên công ty buộc phải thay đổi.

“Hai đợt điều chỉnh giá trước đó chúng tôi cố kìm nên lợi nhuận thấp, thậm chí hòa vốn. Do vậy, với mức tăng thêm của chu kỳ mới, công ty sẽ lỗ", ông Thịnh giải thích. Công ty này vừa thỏa thuận điều chỉnh giá các hợp đồng trước đó, chỉ một vài nơi xin khất đến 1/6 mới tính cước mới.

Cũng vừa điều chỉnh giá từ ngày 24/5, Giám đốc công ty vận tải ở quận Tân Bình cho biết, chi phí vận chuyển tăng thêm 1.500 đồng một lít dầu. Nếu khách chạy ở cự ly 100 km, tiêu thụ hết 50 lít dầu thì giá tăng thêm 75.000-100.000 đồng. 

doanh nghiệp vận tải, giá xăng dầu

Giá xăng dầu tăng kéo theo cước phí dịch vụ vận tải cũng tăng. Ảnh minh họa: Báo Thanh niên

“Tùy vào mức tiêu thụ mà chúng tôi điều chỉnh giá. Ban đầu nhiều khách đã ký hợp đồng không hài lòng nhưng sau khi đưa ra mức phí điều chỉnh hợp lý thì đã đồng ý”, lãnh đạo cơ sở này nói và cho biết, trước đó cũng đã “thắt lưng buộc bụng” để giữ giá cho khách nhưng vì xăng dầu liên tục tăng nếu không điều chỉnh sẽ lỗ.

Theo tính toán, với các loại xe container, xe tải nặng, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40%, trong khi các loại xe khác cũng chiếm trung bình khoảng 30% của tổng doanh thu. Mặt khác, để hoạt động, doanh nghiệp vận tải còn phải đóng thêm phí bảo trì đường bộ, BOT, phí bến bãi…

Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ sạp kinh doanh trái cây, rau quả tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cũng cho biết, đang chịu tác động mạnh bởi giá xăng. Từ đầu năm đến nay, chi phí vận chuyển rau củ quả, trái cây của ông từ Đà Lạt về TP HCM liên tục bị đội lên do nhà xe tăng giá. “Mỗi chuyến hàng chi phí vận chuyển tăng thêm 500.000-600.000 đồng, tuy nhiên, vì hàng về chợ đông nên giá rau quả được giữ nguyên chứ không dám tăng”, ông Thanh nói.

Theo báo Thanh niên, ông Nguyễn Văn Chánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cho biết, các doanh nghiệp vận tải hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, chịu tác động mạnh bởi rất nhiều loại phí… trong khi đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ phía các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp vận tải đã phải giải thể, chuyển nghề, bán bớt phương tiện hoặc hoạt động dưới giá thành. Do đó, nhà nước cần có chính sách bình ổn giá xăng dầu trong thời gian nhất định, trung bình khoảng 4 – 6 tháng để doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định, đảm bảo lợi nhuận.

Xăng tăng giá, cước phí vận tải điều chỉnh tăng nên giá hàng hóa tiêu dùng cũng áp lực tăng. Ngày 25/5, một số thương hiệu thép ở phía Nam đã chính thức tăng giá bán ra thêm 200.000 đồng/tấn. Mặc dù cho biết giá tăng chủ yếu do nguyên liệu đầu vào đang lên nhưng lãnh đạo Công ty thép Pomina nói rằng phí vận chuyển gia tăng cũng góp phần cho việc tăng giá này.