Biển là cơ sở để Việt Nam hưng thịnh

dantri
Tăng giá dịch vụ cảng biển: Nâng chất lượng, tăng cơ hội đầu tư
08/10/2018
logo
Đà Nẵng: Vinalines đăng ký tham gia đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu
08/10/2018

Biển là cơ sở để Việt Nam hưng thịnh

logo_giaothong

Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương khoá XII đã thảo luận, thông qua vấn đề Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, từ đó xem xét và ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ tài nguyên, bảo đảm quốc phòng – an ninh.

7i5d_5b

 

Chiếc tàu sắt đánh cá của ông Nguyễn Văn Tuy, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, dài 33m được coi là một trong những tàu cá hiện đại nhất Việt Nam. Ảnh: Hải Luận

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 8: “Biển là không gian sinh tồn. Biển là không gian phát triển”. Tôi thêm vào một ý nữa: Biển là cơ sở để Việt Nam hưng thịnh. Một số quốc gia phát triển họ đã lấy biển “nuôi” đất liền” – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, đặt vấn đề khi trao đổi với chúng tôi.

Hợp tác quốc tế nghiên cứu  khoa học

Do đặc điểm về địa hình, địa mạo, vị trí của Việt Nam từ xa xưa đến nay, đều xác định rõ vai trò quan trọng của biển. Trong chiến lược phát triển kinh tế biển có 5 trụ cột quan trọng: Tài chính, tư duy chính trị, khoa học và công nghệ, sức mạnh ngoại giao, phát triển lực lượng bảo vệ. Nếu nước ta tổ chức tốt 5 trụ cột này, nhất định sẽ hưng thịnh từ biển.

Lâu nay, vấn đề nghiên cứu khoa học hải dương, khoáng sản, khai thác, nuôi trồng thủy sản, năng lượng… chưa được chú trọng và đầu tư đúng mức ở tầm vóc quốc gia và quốc tế mang tính thiết thực, lâu dài, căn cơ.

“Ngày nay, thời thế đã khác, thế giới đã đưa công nghệ số hóa vào khai thác tài nguyên biển phát triển khá mạnh. Nghiên cứu khoa học phải làm thay đổi cả tư duy và phương pháp, để đưa ra những căn cứ khoa học và dự báo chính xác hơn. Tôi lấy ví dụ, con cá nó đi theo dòng hải lưu, lúc nó đẻ trứng ở Philippines hoặc Hồng Kông (Trung Quốc) nó chảy về vịnh Bắc bộ là cá nhỏ. Từ đây, nó tiếp tục xuôi theo xuống phía Nam, qua Malaysia, hay nó đi ngược trở lại Philippines. Nếu chỉ một quốc gia nghiên cứu thì khó biết rõ đường đi của những đàn cá quốc tế. Vậy nên hợp tác nghiên cứu khoa học là cần thiết ” – Tiến sĩ Nguyễn Tác An cho biết.

Khu vực Biển Đông có hàng tỉ mét khối dầu và khí các loại, nằm ở vùng tiếp giáp với các nước. Việc đầu tiên hợp tác quốc tế là nghiên cứu đánh giá trữ lượng chính xác, rồi ngoại giao bàn bạc, đưa ra giải pháp khai thác, đầu tư và chia lợi nhuận giữa các bên như thế nào.

Trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh trên biển, bảo đảm hải trình hàng hải xuyên đại dương, Tiến sĩ An đề xuất: “Mình phải chủ động nghiên cứu chuyên sâu, thăm dò xem có các hoạt động gây nhiễu, phá thông tin hàng không, hàng hải, quân sự, tàu đánh cá của ngư dân ta đang đi lại làm ăn trên biển không? Nếu có thì phòng chống bằng cách nào? Không thể coi thường đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”. Chưa ai biết đến năm 2030, 2040, khoa học và công nghệ biển phát triển đến mức nào, nếu chúng ta không chủ động nghiên cứu nghiêm túc từ ngay hôm nay, sẽ bị tụt hậu”.

Hình thành đội tàu đánh cá hiện đại

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẳng thắn chỉ ra yếu kém của nghề khai thác biển: “Nghề cá chúng ta chủ yếu là nghề cá nhân dân, khai thác trên diện rộng, chưa hình thành ngành khai thác hiện đại. Số phương tiện nhiều, nhưng chỉ có 23% hiện đại, mà hiện đại này được hiểu trong “ngoặc kép”. Phát triển thị trường nhanh ồ ạt, xuất khẩu sang 165 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng tiền thu về không được nhiều. Mỗi thị trường bé tí, đâm ra rủi ro rất nhiều, công tác quản lý cực kỳ khó khăn, hiệu quả đem lại không cao, thị trường rất bất ổn”.

Nhằm đảm bảo nguồn lợi thủy sản tái tạo tốt, Nhà nước không khuyến khích phát triển tàu thuyền hành nghề giã cào, bằng nhiều cách nên hỗ trợ cho ngư dân đang hành nghề giã cào, kể cả giã cào đôi hoạt động vùng khơi, chuyển đổi sang nghề khai thác khác. Tiến tới xóa bỏ nghề giã cào, bởi vì loại hình khai thác này nó mang tính hủy duyệt môi trường biển rất lớn.

“Chúng ta phải hướng đến một nghề cá bền vững, có trách nhiệm, khai thác hiệu quả. Khai thác có giới hạn, chế biến thật sâu, tổ chức các cấp độ: Từ khai thác, chế biến và thị trường thật tốt” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tóm lược giải pháp.

Chúng ta cần cơ cấu tổ chức lại, theo  3 lớp: Lớp bờ, lớp lộng, lớp khơi, gắn với công bố kết quả điều tra trữ lượng của 5 khu vực ngư trường đánh bắt trọng điểm. Chính phủ cần tập trung nguồn lực để đóng các đội tàu đánh cá trọng điểm, dài từ 70 – 100m, giải quyết được 4 vấn đề lớn: Thứ nhất, ở vùng biển nước ta bắt đầu hình thành đội tàu đánh cá cỡ lớn, trang thiết bị hiện đại.

Thứ hai, nó giống như chiếc “tàu mẹ” xông pha dẫn đường cho hàng chục chiếc tàu trung, tàu nhỏ của ngư dân đi theo hỗ trợ lẫn nhau giữa biển khơi. Thứ ba, trung tâm huấn luyện, chỉ huy và  tiên phong đánh bắt theo từng cụm, vùng biển. Thứ tư, tàu làm nhiệm vụ dịch vụ hầu cần nghề cá: Chở nhiều nước ngọt, nước đá, dầu, lương thực thực phẩm,… Mặt khác, Nhà nước cần đầu tư để nâng cấp, xây mới hệ thống cảng cá an toàn, hiện đại.

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Nước ta là một trong 5 quốc gia bị tổn thương lớn nhất trước biến đổi khí hậu toàn cầu, tác động biến đổi khí hậu đầu tiên đến từ biển. Đây là nguy cơ và thách thức số 1, liên quan không chỉ đến nghề nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng triệu ngư dân cũng như những người tham gia hoạt động trên biển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, mở ra đa dạng lĩnh vực phát triển: “Phải tập trung nuôi trồng thuỷ sản, chứ không thể dựa mãi vào nguồn khai thác. Ta có tiềm năng lớn, với phạm vi diện tích mặt nước cả 1 triệu cây số vuông, lựa chọn ra vùng nước ấm để có khả năng tái tạo sinh vật, sinh quần thể, trong đó có thủy sản. Thế giới đang hướng đến ăn thủy sản, ăn rong biển, thạch rau câu… ta phải có chiến lược nuôi trồng, chế biến đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Không chỉ nuôi ở trong bờ, mà nghiên cứu nuôi ở những vùng phù hợp bằng công nghệ hiện đại nhất. Lập quy hoạch vùng nào nuôi đối tượng nào, ứng dụng khoa học, công nghệ ra sao, quản lý như thế nào, phòng tránh thiên tai mức nào, chống bị ô nhiễm phát sinh ra dịch bệnh. Tất cả phải tính toán bài bản, đầu tư đúng mức”.

Trong tư duy phát triển chiến lược biển không thể theo kiểu “ăn đong”, mà cần có những bước đi dài hơi mang tính vững chắc. Chẳng hạn, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, khi đầu tư xây dựng hệ thống đê ngăn mặn, chống ngập phải có sức chịu đựng hàng chục năm. Thiết kế những công trình lớn ở vùng bờ biển miền Trung “chịu” được bão giật cấp 13, 14. Hạn chế tối đa phát triển Nhà máy nhiệt điện bằng than đá, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào điện gió, năng lượng mặt trời, năng lượng từ nước biển.

Môi trường biển là vấn đề sống còn của sự phát triển và hưng thịnh quốc gia biển Việt Nam. Thế nhưng, đi đến đâu cũng thấy rác thải cứ vô tư thải trực tiếp ra biển. Rồi rác thải từ các con sông đổ ra. Ai cũng biết, ai cũng thấy, lâu quá rồi thành quen, thành bình thường. Nó “giết” dần dần sự thịnh vượng của môi trường sinh thái, nguồn lợi thuỷ sản, du lịch… Các địa phương, đơn vị cần có biện pháp mạnh tay để xóa vấn nạn xả rác ra biển.