Phương án cổ phần hóa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nhiều khả năng sẽ phải cập nhật những quy định mới với nhiều tác động được cho là bất lợi đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này.
“Lỡ tàu”
Cho đến thời điểm này, phương án cổ phần hóa công ty mẹ Vinalines vừa được Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) hoàn thiện, nhiều khả năng chưa phải là phương án cuối cùng do không kịp thông qua trước thời điểm 1/1/2018.
Theo Bộ GTVT, tiến trình cổ phần hóa Vinalines được khởi động từ năm 2014. Vào cuối tháng 3/2015, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa Vinalines với giá trị thực tế của doanh nghiệp để cổ phần hóa tại thời điểm ngày 31/12/2013 là 21.287 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 8.963 tỷ đồng.
Công tác cổ phần hóa Vinalines đã kéo dài 4 năm mà vẫn chưa chốt được thời điểm hoàn thành. |
Tuy nhiên, do lộ trình cổ phần hóa Vinalines kéo dài, nên đến cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Vinalines tổ chức xác định lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2016 để cổ phần hóa và xây dựng lại Phương án cổ phần hóa.
Được biết, mặc dù đã rất quyết liệt, khẩn trương thực hiện các bước cổ phần hóa theo quy định, nhưng do phải tiến hành thêm bước Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính, nên đến giữa tháng 12/2017, Vinalines mới hoàn thành công tác xác định giá trị và xây dựng phương án cổ phần hóa.
Trên cơ sở đề xuất của Chủ tịch HĐTV Vinalines Lê Anh Sơn, ngày 28/12/2017, Bộ GTVT mới có Tờ trình số 14699/TTr – BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ – Vinalines.
Cụ thể, giá trị thực tế của doanh nghiệp để cổ phần hóa tại thời điểm 31/12/2016 được thực hiện theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (Nghị định số 59) là 18.094 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 11.946 tỷ đồng.
Sở dĩ mốc “1/1/2018” lại quan trọng đối với Vinalines là bởi, nếu không chốt kịp phương án cổ phần hóa trước thời điểm nói trên, “ông lớn” ngành hàng hải sẽ phải cập nhật lại toàn bộ “hải trình” cổ phần hóa theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Nghị định số 126/NĐ – CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16/11/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 thay thế cho Nghị định số 59.
Trên thực tế, hiện phương án cổ phần hóa công ty mẹ – Vinalines vừa được Văn phòng Chính phủ xin ý kiến các bộ, ngành. Nếu không có đột biến, phương án cổ phần hóa chỉ có thể được Thủ tướng Chính phủ ký thông qua vào quý I/2018, khiến Vinalines chính thức “lỡ tàu” với Nghị định số 59.
Hệ lụy
Được biết, Bộ GTVT đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Vinalines được tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa, bao gồm: xây dựng phương án cổ phần hóa; bán cổ phần lần đầu; quyết toán vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyến sang công ty cổ phần… theo hướng dẫn tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, nếu thực hiện cổ phần hóa theo hướng dẫn của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, tiến trình cổ phần hóa Vinalines không những bị đảo lộn, mà còn tạo ra những gánh nặng tài chính lớn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, tại khoản 5, Điều 21, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định: “Việc lập lại báo cáo tài chính để bàn giao sang công ty cổ phần dựa trên cơ sở thực hiện điều chỉnh theo các nội dung xử lý tài chính quy định tại Nghị định này, quyết toán tiền thu từ cổ phần hóa, quyết toán chi phí cổ phần hóa, quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư, quyết định công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức chuyển thành công ty cổ phần (không điều chỉnh theo kết quả đánh giá lại).
Như vậy, khi chuyến sang công ty cổ phần, nếu thực hiện theo Nghị định số 126/2017/NĐ – CP, Vinalines phải trích lập ngay khoản dự phòng đầu tư tài chính với số tiền là 2.759 tỷ đồng vào chi phí kinh doanh trong năm tài chính đầu tiên, dẫn đến kết quả kinh doanh của Tổng công ty sẽ lỗ lớn. Khoản lỗ này sẽ làm giảm phần vốn nhà nước tại công ty mẹ – Tổng công ty.
Được biết, việc phải trích lập dự phòng là do khi lập Báo cáo tài chính tại thời điểm 31/12/2016, Vinalines đã thực hiện hoàn nhập các khoản dự phòng đầu tư tài chính đã trích lập đầy đủ qua các năm (số tiền là 2.710 tỷ đồng).
“Trong khi đó, nếu thực hiện theo Nghị định số 59, Vinalines không phải trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư tài chính này”, ông Công cho biết.
Bên cạnh đó, việc hạch toán không điều chỉnh lại giá trị tài sản theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp (đã được đánh giá lại sát với giá trị thị trường) mà giữ nguyên giá trị tài sản theo sổ sách kế toán, dẫn đến chi phí khấu hao và chi phí kinh doanh tăng cao. Cụ thể, khi xác định giá trị doanh nghiệp theo Nghị định số 126/2017/NĐ – CP, giá trị tài sản của công ty mẹ – Tổng công ty (chủ yếu là tàu biển) giảm khoảng 862 tỷ đồng so với giá trị sổ sách. Chi phí khấu hao tăng cao, dẫn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh thấp, Vinalines khó có thể cạnh tranh được với các hãng tàu khác tại Việt Nam và quốc tế.
Quan trọng hơn, do phải tua lại phương án cổ phần hóa theo các quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, công tác cổ phần hóa Vinalines sẽ kéo dài, không đảm bảo thời gian bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) theo tiến độ. Điều này sẽ làm tổn thất cho Tổng công ty về thời gian, Nhà nước phải mất thêm chi phí cổ phần hóa.