Ngày 26/5/2017 tại Hội trường Cảng vụ Hàng hải Nghệ An, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức cuộc họp trực tuyến về Tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017, tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo và chuyên viên 25 Cảng vụ hàng hải, Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam (Trung tâm), Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (Vishipel), một số Công ty dịch vụ hàng hải tại khu vực Nghệ An và đại diện lãnh đạo và chuyên viên Phòng An toàn An ninh hàng hải, sau khi nghe báo cáo tham luận của Phòng An toàn An ninh hàng hải, Trung tâm, các Cảng vụ Hàng hải: Nghệ An, Quảng Bình và ý kiến góp ý của các thành viên tham dự cuộc họp, Phó Cục trưởng Nguyễn Hoàng có một số ý kiến kết luận như sau:
Năm 2016, thời tiết có diễn biến phức tạp, bất thường, có 10 cơn bão và một số cơn áp thấp nhiệt đới đã ảnh hưởng đến nước ta. Được sự chỉ đạo của Ủy Ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, BCH PCTT&TKCN Bộ GTVT, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, cùng với trách nhiệm, tích cực chủ động và điều hành hiệu quả của BCH PCTT&TKCN Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Cục nên công tác ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.
Năm 2017 theo dự báo tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều tình huống thời tiết cực đoan, làm phát sinh nhiều thiên tai, sự cố, đầu năm 2017, tình hình tai nạn sự cố có xu hướng gia tăng, nạn nhân liên quan đến một số vụ tai nạn đâm va, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu để có cơ chế vận hành, triển khai kịp thời, có hiệu quả.
Để chủ động ứng phó kịp thời có hiệu quả, yêu cầu các đơn vị trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam:
1. Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, xây dựng kế hoạch nhiệm vụ năm 2017, triển khai ngay công tác PCTT&TKCN sát với tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của đơn vị; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
2. Kiểm tra phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, theo phương châm “4 tại chỗ”: “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ” để đối phó và khắc phục hậu quả của lụt, bão bảo đảm sẵn sàng triển khai kịp thời.
3. Kiểm tra, rà soát đánh giá chất lượng Trụ sở của đơn vị, các công trình, phương tiện … để sửa chữa, gia cố, bảo đảm an toàn khi có thiên tai, lụt, bão.
4. Tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
5. Tổ chức trực ban nghiêm túc và thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt.
6. Chủ động thống kê số lượng tàu thuyền có khả năng tham gia TKCN khi có yêu cầu, đưa ra phương án cho tàu thuyền neo đậu tránh, trú bão kịp thời, hiệu quả, tránh tình trạng điều động tàu thuyền đi tránh quá sớm gây thiệt hại cho doanh nghiệp hoặc điều động quá muộn dẫn đến tình huống nguy hiểm.
7. Phối hợp trong công tác điều động tàu tránh, trú bão; yêu cầu các doanh nghiệp cảng biển, sửa chữa tàu biển trong vùng nước cảng biển quản lý xây dựng Kế hoạch PCTT&TKCN, kiểm tra cụ thể trước khi đến mùa mưa bão.
8. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát Quy chế phối hợp đã ký kết cho phù hợp với tình hình thực tế tại khu vực trong công tác PCTT và TKCN đảm bảo lực lượng luôn sẵn sàng, nhanh chóng, thông suốt, kịp thời./.