Không chỉ Việt Nam dần mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài mà chính các "tay chơi" quốc tế cũng đánh giá thị trường logistics Việt Nam "hấp dẫn"
Nghiên cứu chung của Google (Mỹ) và Temasek Holdings (Singapore) lạc quan đánh giá thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á có thể tăng trưởng từ 5,5 tỉ USD năm 2015 lên 88 tỉ USD năm 2025.
Chung nhịp khu vực
Theo trang The Investor, nhiều "đại gia" đã để mắt đến tiềm năng của Đông Nam Á. Điển hình là Alibaba mới đầu tư thêm 1 tỉ USD để mua thêm cổ phần ở Lazada (Singapore), nâng số cổ phần Alibaba sở hữu ở hãng thương mại điện tử lớn nhất khu vực này lên 83%.
Bà Regina Lim, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường vốn của Công ty Quản lý đầu tư JLL (Mỹ), đánh giá tiềm năng về thương mại điện tử cộng với chi phí sản xuất thấp hơn đang thúc đẩy nhiều nhà sản xuất chuyển nhà máy từ Trung Quốc tới Đông Nam Á, từ đó tăng nhiệt ngành logistics (giao nhận vận tải). "Các thị trường về phát triển công nghiệp hàng đầu của chúng tôi là Indonesia và Việt Nam. Trong khi Indonesia mạnh về sản lượng thì Việt Nam có lực lượng lao động lành nghề và chi phí thấp" – bà Lim nói.
Trang Oxford Business Group nhận xét kinh tế càng phát triển càng đòi hỏi ngành logistics mở rộng. Không chỉ Việt Nam dần mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài mà chính các "tay chơi" từ bên ngoài cũng đánh giá thị trường logistics Việt Nam "hấp dẫn". Bằng chứng là báo cáo hồi tháng 4 của Công ty Tư vấn Grant Thornton (Mỹ) nêu rõ trong tổng số 37-40 tỉ USD chi tiêu hằng năm trong lĩnh vực logistics, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm khoảng 30-35 tỉ USD.
Vào giữa tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc) công bố ý định thu mua Gemadept. Có được công ty vận hành cảng và logistics lớn nhất Việt Nam này, Taekwang sẽ tiếp cận được 5 cảng do Gemadept điều hành, trong đó gồm 1 cảng container nước sâu và 1 cảng sông đang trong giai đoạn phát triển. Tới đầu tháng 6, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Tập đoàn NYK Line (Nhật Bản) tuyên bố sẽ cùng nghiên cứu khả năng phát triển một trung tâm giao thông và logistics để phục vụ các khu công nghiệp ở ĐBSCL.
Ngành logistics Việt Nam được nhiều công ty nước ngoài quan tâm Ảnh: GEMADEPT
Cú hích thương mại điện tử
Số liệu từ Bộ Công Thương Việt Nam cho thấy tới năm 2022, doanh thu thương mại điện tử trong nước sẽ tăng 150% hằng năm và đạt 10 tỉ USD/năm nhờ vào sự phổ biến của điện thoại thông minh và mạng xã hội Facebook.
Trở ngại lớn hiện nay tại Việt Nam là các công ty thương mại điện tử không tự lo được mảng logistics, phải cần sự tiếp sức của các công ty giao hàng như VNPost, Viettel Post, Tin Thanh Kerry, giaohangnhanh, giaohangso1… Ngay như Lazada, dù đã lập công ty giao hàng riêng mang tên LEX, đầu tư 3 nhà kho lớn ở TP HCM, Đà Nẵng và Hà Nội cùng 34 trung tâm phân phối trên cả nước nhưng cũng "đuối" trước lượng đơn hàng quá lớn. Công ty này hiện nhận được 1 đơn hàng mới mỗi 2 giây, theo CEO của Lazada Việt Nam Alexandre Danly. Do đó, LEX phải phối hợp với giaohangnhanh, VNPost và Viettel Post.
Các "ông lớn" mang tầm vóc quốc tế cũng gia nhập cuộc chơi. DHL eCommerce – một trong 4 nhánh của Tập đoàn Deutsche Post DHL – hồi tháng 1 qua đã gầy dựng thành công dịch vụ giao hàng đầu cuối cho các công ty thương mại điện tử Thái Lan, từ đó đặt mục tiêu xâm nhập các thị trường láng giềng, bao gồm Việt Nam. Trong khi đó, 2 dịch vụ gọi xe bằng ứng dụng Uber và Grab cũng lấn sân vào mảng logistics ở Việt Nam khi lần lượt triển khai "Uber for logistics" và GrabExpress.
Để khai thác tối đa tiềm năng còn rất lớn, điều cần cải thiện là hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất của ngành logistics tại Việt Nam. Ở Ấn Độ, tính tới năm 2017, các doanh nghiệp thương mại điện tử chi 5%-15% doanh thu cho logistics trong khi con số này tại Việt Nam cao hơn nhiều – ước tính khoảng 30%. Ngoài ra, cũng cần bổ sung nhân lực bởi giao hàng nhanh là xu hướng tất yếu – khảo sát mới đây của Temando Pty Ltd, công ty Úc điều hành nền tảng giao nhận thương mại điện tử, chỉ ra 80% khách hàng trực tuyến muốn được giao hàng trong ngày và 61% muốn có hàng trong vòng 1-3 giờ.
(Theo NLD)