Kinh doanh vận tải biển: Doanh nghiệp tư nhân thiếu “đất sống”?

logo_giaothong
Nhiều cơ chế mới gỡ khó vận tải biển
20/02/2019
header
Hàng hải đẩy mạnh tìm kiếm việc làm cho thuyền viên
27/03/2019

Kinh doanh vận tải biển: Doanh nghiệp tư nhân thiếu “đất sống”?

PLO_logo
(PLVN) – Các doanh nghiệp (DN) hàng hải Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải. Nhiều DN tư nhân trong lĩnh vực này muốn DN nhà nước nhường thị phần, để có cơ hội phát triển.
Kinh doanh vận tải biển: Doanh nghiệp tư nhân thiếu “đất sống”?

 

 

 

Nhiều DN than muốn vay vốn ngân hàng sắm tàu mới nhưng bị ngân hàng quay lưng

DN hàng hải gặp khó gì?

Ngoài “ông lớn” Vinalines (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) có thể cạnh tranh với các DN hàng hải nước ngoài thì đa số các DN Việt Nam lĩnh vực này đều có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh kém. Để vươn ra biển lớn, các DN này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Cao Minh Tuấn, Trưởng ban Kinh tế Hàng hải (Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam) cho biết, các DN hàng hải đang gặp nhiều khó khăn, khó cạnh tranh với DN nước ngoài. Chi phí vận tải đang ở mức thấp khiến nguồn thu của DN vận tải hàng hải không cao, trong khi chi phí xăng dầu, mua sắm tàu biển ngày càng tăng cao. Do việc kinh doanh kém hiệu quả, nhiều DN khó khăn trong việc mua sắm tàu mới. “Nhiều ngân hàng quay lưng, không cho vay tiền để mua tàu. Họ sợ DN làm ăn kém, thu hồi nợ khó”, ông Tuấn nói.

Cơ sở vật chất tại các cảng biển cũng như trình độ các chủ tàu cũng được đánh giá còn yếu kém. Ông Trương Minh Tuấn, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cho hay, ba năm gần đây, năm nào đơn vị cũng tổ chức hội nghị lắng nghe các ý kiến, khó khăn của các DN kinh doanh hàng hải. Chủ trương của đơn vị là thực hiện thủ tục tại cảng qua mạng điện tử. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10% các chủ tàu không thể làm việc qua mạng máy tính, do thiếu kiến thức, buộc phải làm giấy tờ thủ công, tốn kém thời gian.

Theo ông Tuấn, khó khăn lớn nhất của các bến cảng thuộc quản lý của Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh là diện tích bãi cảng nhỏ hẹp khiến việc lưu thông hàng hóa khó khăn. Hơn nữa, tập quán các DN vùng này chủ yếu sử dụng hàng rời, không dùng container nên việc vận chuyển, tập kết hàng hóa còn phức tạp, tốn nhiều công sức. Ngoài ra, dịch vụ logistics của vùng còn kém phát triển nên các DN hàng hải trong vùng không thể lớn mạnh, thiếu cạnh tranh với các DN nước ngoài.

“Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần về việc mở rộng kho bãi cũng như phát triển ngành logictics. Những nội dung này cũng đã có trong quy hoạch phát triển của tỉnh”, ông Tuấn nói và cho biết thêm, một số DN đang thi công thêm bốn cầu cảng trong vùng, tới đây khi đưa vào sử dụng, hy vọng sẽ giảm tải việc ách tắc hàng hóa.

Cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, logistics kém phát triển, giá thành vận tải thấp, quy mô DN nhỏ cũng chính là những khó khăn hiện nay của các DN ngành Hàng hải. Chính phủ đã ra Nghị quyết số 35/2016 về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn chưa đạt kết quả tốt.

Kiến nghị “nhả” thị phần

Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ Hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) thông tin, Cục này vừa tổ chức Hội nghị, làm việc với các hiệp hội chuyên ngành, các DN hàng hải nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà các DN đang gặp phải. Hội nghị đã tập trung bàn luận các vấn đề như giải pháp giảm chi phí vận tải; thủ tục mua, bán, đóng mới tàu biển; cải thiện năng lực, nâng cao thị phần vận tải của DN Việt Nam; công tác quy hoạch, cơ chế phát triển, điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển; vấn đề nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải…

Theo ông Cường, vấn đề hiện nay đang được nhiều DN tư nhân quan tâm là chiếm lĩnh thị phần với các DN nhà nước; họ muốn được nhường nguồn hàng để vận chuyển. Các DN này cho rằng khối DN nhà nước lĩnh vực hàng hải đang chiếm thị phần lớn khiến các DN tư nhân không có “đất” để phát triển. Ngoài  muốn được nhường thị phần, DN tư nhân còn muốn có cơ chế đặc thù, ưu tiên trong việc vay vốn, giảm thuế, được chỉ định thầu để thực hiện các dự án…

Theo ông Cường, những vấn đề mà DN đề xuất đã được Cục Hàng hải tổng hợp, sau đó đề xuất lên Chính phủ và Quốc hội để sửa luật. “Chúng tôi đã làm nhiều đề xuất, bao nhiêu năm nay rồi để tạo cơ chế thuận lợi hơn cho DN. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được phê duyệt”, ông Cường nói và cho biết, nhiều nội dung đề xuất thay đổi ảnh hưởng đến việc thu ngân sách Nhà nước, liên quan đến luật Đấu thầu nên chưa được phê duyệt. 

Được biệt, để thực hiện Nghị quyết số 35/2016 của Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành 6 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Tuy nhiên, ông Cường thừa nhận: “Chúng tôi đã làm 5 năm nay nhưng đúng là chưa có chuyển biến lớn nào cả”.