Đường thủy đang nỗ lực đưa hàng hóa qua biên giới, để đội tàu thủy không chỉ bị bó hẹp trong nội địa mà tìm kiếm nguồn hàng ở thị trường ngoại…
Đường thủy đang nỗ lực đưa hàng hóa qua biên giới, để đội tàu thủy không chỉ bị bó hẹp trong nội địa mà tìm kiếm nguồn hàng ở thị trường ngoại…
Phương tiện chở khách du lịch trên tuyến đường thủy Việt Nam – Campuchia
|
Mỗi năm đưa hơn 1 triệu tấn hàng qua biên giới
Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam cho biết, sau 8 năm thông thương tuyến vận tải thủy qua biên giới Việt Nam – Campuchia, hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường thủy qua sông Mekong ngày càng nhộn nhịp. Hàng ngày, các phương tiện thủy chở hàng hóa, chở khách du lịch theo tuyến sông Tiền, sông Hậu chạy thẳng qua biên giới, đến tận Thủ đô Phnompenh của Campuchia.
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN chia sẻ, tuyến vận tải này được mở theo Hiệp định vận tải thủy giữa hai nước, được hai Chính phủ ký kết năm 2009. Nhưng phải đến năm 2011, hoạt động vận tải mới thực sự bắt đầu. Vài năm gần đây, năm nào cũng có hơn 300 nghìn lượt phương tiện thủy “xuất cảnh”, vận chuyển hơn 1 triệu tấn hàng hóa và gần 100 nghìn lượt người qua lại giữa hai nước bằng đường thủy.
“Các mặt hàng được vận chuyển chính trên tuyến đường thủy xuyên biên giới chủ yếu là xăng, dầu, bê tông, thức ăn chăn nuôi, phân bón, bột mì, thiết bị, đậu tương, lúa mì, thép, bã đậu nành và nhập khẩu mì lát, bắp hạt, đường, phế liệu. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu bằng container đến nay đã tăng hơn 2,5 lần so với năm đầu tiên mở tuyến, đạt mức hơn 10 nghìn Teus/năm.
Nhiều chuyên gia vận tải nhận định, tuyến vận tải này kết nối với cảng biển Cái Mép – Thị Vải nên tiềm năng phát triển còn rất lớn. Ông Lê Hoàng Linh, Giám đốc Công ty Vận tải thủy thuộc Tổng công ty Vận tải Tân Cảng Sài Gòn cho biết: “Tuyến vận tải thủy bằng container sang Campuchia có tiềm năng khoảng 100 nghìn TEUs/năm, nhưng chính sách về quản lý hàng hóa quá cảnh không cho phép một số mặt hàng đi qua, nên hàng hóa phải đi vòng bằng đường biển rồi đường bộ qua nước khác để vào Campuchia. Nếu chính sách về hàng hóa quá cảnh cho phép, sẽ tạo được nguồn hàng ổn định từ Campuchia, qua đường thủy và vận chuyển đến cảng biển”.
Một khó khăn khác theo ông Linh, phía Campuchia chỉ làm thủ tục xuất nhập cảnh cho phương tiện theo giờ hành chính, cơ quan chức năng hai bên chưa thống nhất thủ tục giấy tờ (như việc sao lưu, ngôn ngữ trên giấy phép). Bên cạnh đó, đáng ra khi tàu đến các cửa sông hoặc các cửa khẩu đường thủy, các nhân viên của các cơ quan chức năng hai nước cùng lên tàu kiểm tra và rời tàu một lần để tránh chậm trễ, nhưng hiện chưa có sự phối hợp liên ngành.
Ông Trương Trọng Doanh, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, KHCN và môi trường của Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, theo hiệp định, phương tiện thủy của Việt Nam chỉ cần Giấy phép vận tải thủy xuyên biên giới do Cục ĐTNĐ Việt Nam cấp. Tuy vậy, trên thực tế phía cơ quan chức năng lại cấp thêm giấy phép vận tải qua biên giới.
“Một số thời điểm, phương tiện làm thủ tục xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu Kaom Samnor quá đông, nhưng không được phép làm thủ tục tại cửa khẩu gần đó, khiến mất nhiều thời gian chờ làm thủ tục”, ông Doanh nêu.
Mở thêm tuyến vận tải biên giới
Ông Hoàng Hồng Giang cho biết, những vướng mắc trong vận tải thủy xuyên biên giới Việt Nam – Campuchia đã được cơ quan chức năng hai bên ghi nhận, thống nhất giải quyết để tạo thuận lợi cho vận tải thủy liên vận hai nước. Gần đây nhất, tại Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 3 được tổ chức vào đầu tháng 4/2018 tại Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia thống nhất giao Bộ GTVT hai nước rà soát, xem xét khả năng bổ sung Hiệp định vận tải thuỷ song phương cho phù hợp với tình hình mới, đáp ứng tối đa việc giao lưu tàu thuyền và hàng hoá qua lại hai nước. Như vậy tới đây, tuyến vận tải thủy Việt Nam – Camuchia sẽ càng có cơ hội phát triển, tạo sức hấp dẫn hơn cho đường thủy khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, trong đề xuất giải pháp các tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tuyến vận tải xuyên biên giới nói trên, đơn vị này sẽ đề nghị bổ sung 23 cảng thủy nội địa vào danh mục bổ sung hiệp định vận tải; mở thêm 3 cặp cửa khẩu thủy tại địa bàn tỉnh An Giang.
Ngoài tuyến vận tải thủy xuyên biên giới nói trên, Cục ĐTNĐ Việt Nam hiện đang nỗ lực triển khai Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do khu vực ở cửa sông Bắc Luân, mở tuyến vận tải thủy xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc qua khu vực Móng Cái, Quảng Ninh. Hiệp định được hai nước ký kết năm 2015 và có hiệu lực từ 16/6/2016. Gần đây, Cục ĐTNĐ Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan trong nước cùng Cục Hải sự của Trung Quốc thường xuyên mở các hội nghị triển khai thực hiện hiệp định trên.
“Cục ĐTNĐ Việt Nam đã tổ chức khảo sát 10km đường thủy quốc gia tại khu vực Móng Cái để phục vụ công bố tuyến đường thủy quốc gia nối với tuyến đường thủy quốc gia đã có với sông Bắc Luân. Các cơ quan chức năng hai nước đang triển khai các thủ tục cần thiết để phương tiện thủy hai nước sớm được tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân”, đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam thông tin.