Cầu Cao Lãnh hối hả về đích

Những tiếng cười giòn giã pha lẫn tiếng động cơ của máy hút, xe bồn tạo nên không khí lao động sôi động trên công trường cầu Cao Lãnh những ngày "chạy nước rút".

10

Cầu Cao Lãnh hợp long nối hai bờ Bắc – Nam sông Tiền vào dịp 2/9

Những mẻ bê tông cuối cùng

Những ngày cuối tháng 8, PV Báo Giao thông có mặt tại công trường xây dựng cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền thuộc địa phận TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Hơn 300 cán bộ, kỹ sư, công nhân của các nhà thầu, tư vấn giám sát đang miệt mài công việc với mong muốn hoàn thành nhịp cuối để hợp long đúng tiến độ dịp 2/9. Phía hai bờ Bắc – Nam của cầu, hàng chục phương tiện chở đầy nguyên vật liệu chạy rầm rập ra – vào cổng để phục vụ cho máy trộn bê tông thi công những công đoạn còn lại.

Ở giữa dòng sông Tiền, 7 chiếc sà lan nằm sát bên nhau chở đầy cát, đá, máy trộn bê tông và hàng trăm tấn khung đỡ dạ cầu…Mùa này miền Tây lũ đang cuồn cuộn đổ về phía hạ lưu. Nhưng nước lũ không thể lay động được sự kiên cường của các công nhân, kỹ sư ngày đêm bám trụ công trường. Chiếc cần cẩu liên tục cạp nguyên vật liệu đưa vào máy trộn bê tông. Từ đây, những dòng bê tông tươi thành phẩm được kết dính chạy theo đường ống ngoằn ngoèo, kéo dài hàng chục mét dẫn đến đốt dầm thứ 16 của phía bờ Bắc để các công nhân thi công mặt cầu. Anh Nguyễn Đình Tài (công nhân kỹ thuật lành nghề, quê Nghệ An) cho biết, đã làm việc tại công trình từ ngày khởi công (10/2013) đến nay. Đưa tay lau mồ hôi đang chảy trên má, anh Tài cười tươi và nói: “Anh em trong đội chúng tôi tranh thủ làm ngày, làm đêm hoàn thành đốt cuối để kịp hợp long cầu vào dịp 2/9, sau đó xin đơn vị về quê thăm vợ, con. Tôi có con trai 4 tuổi, lâu không về nhớ lắm rồi”.

Khác với anh Tài, anh Nguyễn Xuân Tuấn (quê Nghệ An) thấy chúng tôi lại gần, có ý định hỏi chuyện nên uống vội cốc nước giải nhiệt sau nhiều giờ làm việc. Anh cho biết đã gắn bó với nghề công trình giao thông trên 10 năm, nhưng vào làm ở công trình này hơn 2 năm. Do dự án gần về đích nên tiến độ công việc được đẩy nhanh. “Quê xa, mỗi khi về cũng tốn kém. Ráng đợi đến cuối năm dự án hoàn thành sẽ xin về quê thăm nhà luôn. Giờ dành dụm tiền gửi về cho bố mẹ sửa nhà”, anh Tuấn tâm sự.

Hợp long cầu Cao Lãnh dịp 2/9

Trở lại công việc, anh Trần Quang Tiến, Phó giám đốc dự án Công ty cầu 12, đơn vị thi công cầu Cao Lãnh phía bờ Nam cho biết, hiện nay 16 đốt dầm phía bờ Nam đã hoàn thành, đang chuẩn bị phương tiện cẩu, sà lan để thi công lắp ráp đà giáo 120 tấn chuẩn bị hợp long đốt cuối. Theo anh Tiến, cái khó của việc đưa đà giáo vào vị trí bởi hiện nay nước lũ thượng nguồn đổ về rất mạnh. Mặt khác, vị trí của đà giáo nằm giữa dòng sông, nước chảy xiết, tứ phía đều trống, không có vật cản nên gió thổi rất mạnh. “Chúng tôi phải tận dụng tối đa về thời tiết, khí hậu và khi con nước bình ổn mới đưa đà giáo ra vị trí, sau đó dùng cẩn cẩu kéo lên mặt để thi công đốt hợp long vào ngày 1/9 theo kế hoạch, công việc đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị bạn, đặc biệt là đơn vị điều tiết đảm bảo an toàn đường thủy”, anh Tiến chia sẻ.

Đang làm nhiệm vụ giám sát thi công mặt cầu, anh Nguyễn Tiến Tường, Phó giám đốc liên danh nhà thầu CRBC – Vinaconex E&C dự án cầu Cao Lãnh cho biết, tiến độ chung đã đạt trên 95%. Trong đó, sản xuất 374/374 dầm Super T, lao 34/34 nhịp; Bản mặt cầu đạt 34/34 nhịp; Hoàn thành 128/128 cáp dây văng, 64/65 đốt đúc hẫng và hợp long nhịp chính… Tất cả các hạng mục còn lại đã hoàn thành chờ ngày hợp long nhịp giữa nối liền 2 bờ Bắc – Nam. “Để bám sát tiến độ dự án, toàn công trường hiện có 300 người chia thành 2 ca làm việc, chúng tôi phấn đấu đảm bảo tiến độ từng ngày để hoàn thành nối nhịp bờ vui vào cuối năm nay”, anh Tường cho biết.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thế Vương, Phó giám đốc tư vấn giám sát dự án cho biết, dự án cầu Cao Lãnh và đường dẫn hai đầu cầu dài 2,4km với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, do Chính phủ Úc viện trợ không hoàn lại. Dự án được khởi công tháng 10/2013, thực hiện trong thời gian 43 tháng. Toàn tuyến có quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80km/h, dự kiến hợp long nhịp giữa dịp 2/9 và hoàn thành cuối năm.

Đánh giá về tiến độ và chất lượng công trình, ông Nguyễn Thế Vương cho biết, dự án cầu Cao Lãnh đã áp dụng các công nghệ tiên tiến của ngành xây dựng cầu trên thế giới như: Móng cọc khoan nhồi đường kính lớn 2,5m, sâu 120m; Công nghệ đúc hẫng cân bằng sử dụng xe đúc hẫng nặng hơn 250 tấn, khổ cầu 27m; Công nghệ ván khuôn leo thi công trụ tháp, công nghệ căng cáp văng mono strand… Dự án được liên danh nhà thầu chính Tổng công ty Xây dựng cầu đường Trung Quốc (một tổng công ty rất có uy tín và kinh nghiệm của Trung Quốc) cùng với Công ty Vinaconex E&C (một công ty đã tham gia nhiều dự án lớn tương tự tại Việt Nam như các cầu: Bãi Cháy, Thanh Trì, Nhật Tân) cùng các nhà thầu phụ Việt Nam đã thực hiện thành công, đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Tại dự án này, tỷ lệ nội địa hóa tương đối cao, các kỹ sư và công nhân Việt Nam đã tiếp thu và thực hiện thành thạo các công nghệ mới, các nhà thầu Việt Nam đã lần đầu tham gia xây dựng cầu dây văng với vai trò thầu chính, đồng thời các nhà thầu phụ cũng đã nhận thi công từng hạng mục chứ không chỉ cung cấp nhân công như các dự án trước đây. “Để đạt được tiến độ này, tất cả các nhà thầu thi công đã phải nỗ lực hết mình, trong đó chúng tôi đánh giá cao vai trò của liên danh nhà thầu chính CRBC – VinaconexE&C trong tổ chức thi công khoa học, đúng quy trình và luôn đảm bảo an toàn lao động”, ông Vương cho biết.