Vận tải hàng hóa: Đường bộ thống lĩnh (*): Thay đổi để lớn mạnh

duong bien
Đội tàu Việt Nam sẽ giành lại thị trường nội địa?
14/09/2015

Vận tải hàng hóa: Đường bộ thống lĩnh (*): Thay đổi để lớn mạnh

duong bien

Còn rất nhiều việc phải làm để vận tải đường thủy, đường sắt chia bớt gánh nặng cho đường bộ đang quá tải

Trước những “khập khiễng” của thị trường vận tải và nhu cầu tái cơ cấu để ngành vận tải phát triển lành mạnh, hàng hóa lưu thông thuận lợi, giá cước hợp lý hơn để doanh nghiệp (DN) kinh doanh hàng hóa được hưởng dịch vụ vận tải tốt nhất, cần rất nhiều giải pháp từ ngành vận tải và bản thân các DN.

Trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung cổ phần hóa, xã hội hóa các DN vận tải nhà nước, xóa độc quyền bao cấp, nâng cao tính chuyên nghiệp… hướng đến mục đích giảm cước vận tải, lưu thông hàng hóa thông suốt hơn.

Cơ hội cho vận tải khác đường bộ

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, đánh giá do việc siết cước vận tải đường bộ nên lợi thế so sánh sẽ giảm, chắc chắn chủ hàng sẽ tìm phương án chuyển đổi sang loại hình vận chuyển khác.

Khi đó, vận tải đường biển và đường sắt có nhiều cơ hội hơn, trong đó vận tải đường biển sẽ có ưu thế lớn bởi đầu tư đường ray chi phí lớn hơn đầu tư các tàu biển hoặc tàu thuyền chạy đường thủy nội địa. Ngoài ra, việc đẩy mạnh xuất khẩu cũng tác động làm vận tải đường thủy có động lực phát triển.

Đánh giá về tiềm năng các ngành vận tải ngoài đường bộ, ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường Biên Hòa, cho rằng đường thủy và đường sắt có đặc điểm đều là ga, cảng cố định nên hoàn toàn phù hợp với vận chuyển cung đường xa. Chưa kể, riêng đường sắt còn có ưu điểm vận chuyển an toàn nhất, không bị ảnh hưởng các yếu tố thời tiết như các loại hình khác.

Hiện nay, việc siết tải trọng vận tải hàng hóa đường bộ đã làm chi phí vận chuyển tăng gấp đôi. Giá thành vận chuyển mía trước mắt chưa ảnh hưởng nhiều do đã gần kết thúc niên vụ nhưng giá thành vận chuyển đường đã bị ảnh hưởng ngay lập tức.

Ông Lộc cho biết do chi phí tăng nên giá thành đường dự kiến tăng 300-500 đồng/kg tùy cự ly vận chuyển. “Giá thành tăng nhưng thị trường có chấp nhận không là chuyện khác. Chưa kể đến nạn đường lậu giá rẻ tiếp diễn thì sản phẩm đường trong nước càng khó. Với tình hình này, phải xem xét chuyển đổi loại hình vận tải khác. Đây là cơ hội lớn cho ngành đường thủy, đường sắt nếu có sự thay đổi” – ông Lộc đánh giá.

Cụ thể, theo ông Lộc, với nền tảng cơ sở vật chất sẵn có của ngành đường sắt, cần quan tâm cải tiến gấp các phương tiện bốc dỡ, vận chuyển. Ngành đường thủy cần lưu ý đến kho cảng, xây dựng đường vận chuyển thuận tiện nhất cho các DN.

Cạnh tranh công bằng

Về giải pháp điều chỉnh sản lượng vận chuyển từ đường bộ sang các loại hình khác, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng phải siết mạnh hơn nữa tải trọng vận tải đường bộ. “Siết tải trọng sẽ điều chỉnh lại giá thành vận chuyển và đưa các loại hình vận tải về cuộc cạnh tranh công bằng. Đây cũng là cơ hội để các ngành đường sắt, đường thủy vươn lên giành lại thị trường” – ông Thanh nói.

Ngoài ra, ông Thanh đề xuất phải cổ phần hóa DN vận tải đường sắt, đưa tư nhân vào đầu tư hoạt động để tránh tình trạng bao cấp, trì trệ như hiện nay. Với đường thủy nội địa, cần phải bảo đảm phân luồng hài hòa, nạo vét thông thoáng, xây dựng hệ thống chuyên chở đến kho bãi chuyên nghiệp hơn.

Theo ông Đỗ Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cần cơ cấu lại hoạt động vận tải đường bộ, không nên để các chủ xe tư nhân tự tổ chức chạy xe chuyển hàng mà cần tập trung lại trong một tổ chức có tiềm lực, có kế hoạch hoạt động chuyên nghiệp. Ngành vận tải cũng đang có kế hoạch cơ cấu tổ chức lại toàn ngành vận tải, hướng thị phần vận tải vào ngành đường sắt, đường biển. “Muốn vậy, ngành đường sắt phải cải tổ, đổi mới cả công nghệ lẫn con người; vận tải đường biển cần lưu tâm đến khâu bốc xếp, giao hàng khoa học, chuyên nghiệp theo kinh nghiêm thế giới” – ông Liên chỉ ra.