Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam, phát hiện loạt vi phạm về nhân sự

quynhon2
“Lột xác” sau cổ phần hóa, cảng Quy Nhơn hút khách hàng chiến lược
10/04/2018
logistic cost
Hơn 63,2 triệu cổ phiếu Cảng Xanh Vip lên sàn UPCoM
13/04/2018

Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam, phát hiện loạt vi phạm về nhân sự

cuc hang hai_01

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành kết luận thanh tra về trách nhiệm thực hiện quy định pháp luật về thanh tra tại Cục Hàng hải Việt Nam.

Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam, phát hiện loạt vi phạm về nhân sự

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành kết luận thanh tra về Cục Hàng hải Việt Nam

9 Cảng vụ hàng hải thiếu sót trong bố trí nhân sự

Kết luận thanh tra cho biết trong công tác tổ chức cán bộ, có 9/25 Cảng vụ hàng hải gồm: Thái Bình, Nam Định, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Thuận, Đồng Tháp, Mỹ Tho, An Giang, Cà Mau chưa được phân bổ biên chế công chức thanh tra để thực hiện công tác tham mưu và tiến hành thanh tra chuyên ngành theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 4 Thông tư 68/2013 của Bộ Giao thông vận tải.

Bên cạnh đó 9 Cảng vụ hàng hải này cũng chưa bố trí công chức tại các phòng tham mưu thuộc Cục Hàng hải Việt Nam để phân công, bố trí làm công tác thanh tra chuyên ngành hàng hải của Cục Hàng hải Việt Nam.

Đối với Cục Hàng hải Việt Nam, đơn vị này bị xác định chưa làm thủ tục chuyển ngạch thanh tra viên sang chuyên viên đối với thanh tra viên khi thay đổi công việc từ Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam sang vị trí làm chuyên viên tại phòng tổ chức cán bộ theo quy định tại Nghị định 97/2011 của Chính phủ. Cục cũng bị xác định thực hiện chế độ đối với thanh tra viên khi được điều động, bổ nhiệm làm giám đốc các Cảng vụ hàng hải chưa phù hợp với quy định hiện hành.

Ngoài ra, công tác sắp xếp, phân bổ biên chế, ngạch thanh tra viên tại các Cảng vụ hàng hải thực hiện còn chậm so với yêu cầu của đề án “nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành hàng hải” theo Quyết định 5003/QĐ-BGTVT.

Kết luận thanh tra cũng nêu rõ cơ chế hoạt động của Cảng vụ hàng hải không rõ ràng: là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý được giao, được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nhưng đang áp dụng cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; mặc dù đến nay đã được phê duyệt vị trí việc làm công chức song chủ yếu người làm việc hiện nay là viên chức.

Bên cạnh đó, một số quy định cũng còn chồng chéo, trùng lặp về nội dung tổ chức, chức danh và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hàng hải giữa các văn bản quy phạm pháp luật; chưa có sự phân công thống nhất giữa cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam trong việc xây dựng thể chế, chỉ đạo và hướng dẫn về hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hàng hải, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành về an toàn, an ninh và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu biển.

Nhiều thiếu sót trong hoạt động thanh tra

Về hoạt động thanh tra, Bộ Giao thông vận tải cho biết Cục Hàng hải Việt Nam ban hành kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2016 của các Cảng vụ hàng hải vào ngày 25/12/2015 là muộn hơn quy định 10 ngày.

Cục Hàng hải Việt Nam chỉ giao kế hoạch kiểm tra, không phê duyệt và giao kế hoạch thanh tra cho một số Cảng vụ hàng hải là chưa phù hợp với chức năng của cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo quy định.

Thanh tra trực tiếp tại Cảng vụ hàng hải Đồng Nai, Đà Nẵng cho thấy các đơn vị chưa lập, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo quý, tháng, tuần; Cảng vụ hàng hải TP. HCM đưa kế hoạch thanh tra, kiểm tra vào kế hoạch chung của cơ quan, chưa lập riêng theo hướng dẫn tại Thông tư 02/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Việc thực hiện công tác thanh tra cũng gặp nhiều vi phạm, thiếu sót như: việc triển khai hình thức thanh tra độc lập chưa có sự hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện thống nhất của Cục Hàng hải Việt Nam đối với các Cảng vụ hàng hải, có nơi chưa thực hiện; các quyết định phân công thanh tra viên tiến hành thanh tra độc lập chưa xác định rõ thời gian thanh tra theo quy định tại Điều 7, Thông tư 02.

Thanh tra viên được phân công tiến hành thanh tra độc lập chưa lập kế hoạch báo cáo người quyết định phân công trước khi tiến hành thanh tra theo quy định tại khoản 1, Điều 8 Thông tư 02. Một số trường hợp khi tiến hành thanh tra, Thanh tra viên phát hiện vi phạm của đối tượng thanh tra nhưng chưa xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật…

Tại Cảng vụ Đồng Nai, kết luận thanh tra chỉ ra đã có sự thay đổi hình thức thanh tra trong kế hoạch sang hình thức kiểm tra nhưng đơn vị này không báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, quyết định; trưởng đoàn thanh tra chưa phải công chức; thời gian yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo chưa phù hợp quy định tại khoản 2, Điều 20 Thông tư 05/2014 của Bộ Giao thông vận tải.

Tại Cảng vụ hàng hải TP. HCM, hồ sơ còn chưa thể hiện một số thủ tục theo quy định, như tổ chức họp để phổ biến và phân công nhiệm vụ; tổng kết, rút kinh nghiệm về hoạt động của Đoàn thanh tra theo quy định. Thời hạn thanh tra thực tế của một số cuộc thanh tra vượt quá thời hạn thanh tra xác định trong quyết định thanh tra.

Về công tác xử phạt vi phạm hành chính, kết luận thanh tra cho biết trong 2 năm 2016 – 2017, Cảng vụ hàng hải đã phát hiện, lập biên bản và xử phạt 888 vụ vi phạm, xử phạt tổng số tiền 11 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua xem xét, đoàn thanh tra phát hiện một số trường hợp ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quá thời hạn 7 ngày; một số biên bản vi phạm hành chính ghi chưa đầy đủ thông tin theo quy định; một số vụ việc vi phạm, cơ quan có thẩm quyền quyết định xử phạt chưa áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định; một số vụ việc vi phạm người ký biên bản vi phạm hành chính tại mục “Người vi phạm” chưa phù hợp quy định của pháp luật về chủ thể ký biên bản.

“Có trường hợp áp dụng điều khoản xử phạt chưa phù hợp với hành vi vi phạm, biên bản vi phạm hành chính trùng số. Có trường hợp chưa lập biên bản trả giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo mẫu quy định”, kết luận cho biết thêm.

Yêu cầu chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm

Với các vi phạm, thiếu sót trên, Bộ Giao thông vân tải yêu cầu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tiến hành tổ chức, kiện toàn lại bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành tại Cục Hàng hải Việt Nam; rà soát lại toàn bộ lực lượng đã được phân công, cấp thẻ thanh tra, kiểm tra, lập biên bản tại Cục Hàng hải và các Cảng vụ hàng hải để tổ chức sắp xếp, phân công cho phù hợp với yêu cầu thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chuyên ngành theo quy định.

Đồng thời, Bộ yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo Thanh tra Cục thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo Thông tư 34/2013 của Bộ Giao thông vận tải; giao thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì phối hợp với các phòng liên quan tiến hành rà soát quy chế, quy định, hướng dẫn công tác thanh kiểm tra chuyên ngành… để tham mưu cho Cục trưởng chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất.

Đối với các giám đốc Cảng vụ hàng hải TP. HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu thực hiện đầy đủ về thanh tra trong lập kế hoạch, triển khai kế hoạch, thực hiện các cuộc thanh tra. Đồng thời phát hiện, xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực hàng hải; thực hiện đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục về xử phạt vi phạm hành chính theo pháp luật.

Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu lãnh đạo các Cảng vụ hàng hải nêu trên có biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các cá nhân để xảy ra các thiếu sót nêu trong kết luận…