Cục trưởng Cục Hàng hải đã thi đạt sao còn phải thi lại?

Công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt hệ trọng của mỗi quốc gia, bởi thế bất cứ vấn đề gì bất thường đều phải công khai, minh bạch.

Những vụ việc bổ nhiệm tràn lan, bổ nhiệm thần tốc xảy ra ở nhiều đơn vị, địa phương trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng xấu tới những nỗ lực của Đảng trong quá trình làm trong sạch bộ máy, phục vụ đất nước và nhân dân.

Có một điều rất đáng mừng là khác hẳn so với trước đây, hiện nay công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ đang được thực hiện chặt chẽ hơn và trên thực tế đã có nhiều người là lãnh đạo cấp cao ở bộ, ngành, địa phương (ngay cả đã nghỉ hưu) cũng đã phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

Dù vậy cũng có những vụ việc mà ngay cả khi một vị Thứ trưởng đứng ra trả lời thì dư luận vẫn đặt ra câu hỏi cần phải làm rõ, đó là vụ việc bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam – ông Nguyễn Xuân Sang.

Cuc truong Cuc Hang hai da thi dat sao con phai thi lai? - Anh 1

Ông Nguyễn Xuân Sang – Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (người đang đứng). ảnh: website Cục hàng hải.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng đầu tháng 8, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải – ông Nguyễn Ngọc Đông trả lời như sau: “Liên quan đến bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Xuân Sang, Bộ Giao thông Vận tải đã căn cứ vào các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ được Bộ Nội vụ ban hành, trên cơ sở tiêu chuẩn đó có quy định cụ thể của Bộ Giao thông Vận tải về tiêu chuẩn.

Trong các tiêu chuẩn, có tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, cụ thể là phải đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên, chứ không phải là đang giữ ngạch chuyên viên chính trở lên.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sang được bổ nhiệm vào tháng 7/2015 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và được quy hoạch chức danh Cục trưởng lúc đang giữ cương vị là Giám đốc Cảng vụ Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí được đào tạo chuyên ngành kỹ sư tàu biển, cử nhân luật, tiến sĩ nghiên cứu điện ô tô và tàu thủy… Đồng chí có 26 năm kinh nghiệm, 23 năm trực tiếp làm công tác chuyên môn về lĩnh vực hàng hải, cụ thể là tại Cảng vụ Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi chọn nhân sự bổ nhiệm chức danh Cục trưởng được tập thể lãnh đạo cấp ủy của Cục Hàng hải thống nhất cao và đề nghị. Tại thời điểm bổ nhiệm, đồng chí cũng hoàn thành tất cả các chứng chỉ cao cấp lý luận chính trị…

Đồng chí có tham gia thi nâng ngạch chuyên viên chính vào năm 2014, theo kết quả của Bộ Nội vụ công bố là đạt, nhưng số lượng chỉ tiêu năm đó có hạn chế.

Trên cơ sở các tiêu chuẩn của đồng chí, tất cả các quy trình thủ tục và xem xét bổ nhiệm đúng theo quy định hiện hành về bổ nhiệm cán bộ”.

Sau phát biểu của ông Đông, có hàng loạt câu hỏi mà dư luận đặt ra, đó là: Ở kỳ thi nâng ngạch chuyên viên chính năm 2014, kết quả thi lấy theo độ dốc và ông Nguyễn Xuân Sang không đạt điểm để đứng trong danh sách đỗ, thì tại sao Thứ trưởng Đông lại nói rằng “đạt”? Đạt ở đây là gì?

Cần phải nói thẳng ra rằng, đối với tất cả các kỳ thi thì kết quả phải rõ ràng: Trượt hoặc đỗ! Tức là phải được công nhận bằng văn bản của Cơ quan có thẩm quyền chứ không thể coi như "đạt" mang tính ước lệ.

Thêm nữa, nếu ông Nguyễn Xuân Sang đã thi đạt thì tại sao đến năm 2016 phải thi lại chuyên viên chính? Và theo thông báo số 105 ngày 29/12/2016 của Bộ Nội vụ thì ông Sang được công nhận chuyên viên chính từ tháng 4/2017.

Từ trường hợp của ông Sang xin nêu ra một thí dụ so sánh: Liệu có ai được coi là Cử nhân khi không được cấp bằng tốt nghiệp Đại học? Và ở các kỳ tuyển sinh đại học hàng năm, rất nhiều thí sinh đạt điểm số cao nhưng không thể đỗ vào các trường danh tiếng như Đại học Y Hà Nội là một thí dụ, vì trên họ còn nhiều thí sinh có điểm cao hơn. Như vậy là thí sinh ấy đã trượt Đại học Y Hà Nội chứ không thể nói là đạt.

Khi Bộ Giao thông Vận tải bổ nhiệm ông Sang thì đã “tạo điều kiện” cho “nợ” để hoàn thiện, nhưng trong trường hợp này ông Sang đã trượt, không được công nhận là chuyên viên chính tại thời điểm bổ nhiệm thì có khách quan?

Đó là những câu hỏi còn bỏ ngỏ sau trả lời của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và rất cần làm rõ, đúng với tinh thần công khai minh bạch trong công tác cán bộ.

Ông Sang là lãnh đạo cấp Cục, nếu việc bổ nhiệm hoàn toàn khách quan, minh bạch, không có vi phạm thì cần phải có kết luận chính thức để ông Sang yên tâm công tác.

Ngược lại trong trường hợp có điều gì khuất tất thì cần phải làm rõ và xử lý dứt điểm, bởi Cục Hàng hải là cơ quan quản lý Nhà nước – nơi góp phần hoạch định chính sách, do đó các quy định bằng cấp bắt buộc đối với cán bộ (nhất là cán bộ đứng đầu) không thể xem thường.

Liên quan tới công tác bổ nhiệm, giám sát cán bộ, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV chia sẻ: “Thời chúng tôi, đánh trận xong là quay sang khắc phục khó khăn xây dựng đất nước. Lúc ấy làm cán bộ là gánh lấy mọi khó khăn về mình, còn bây giờ bên cạnh những cán bộ tốt thì cũng có một bộ phận cán bộ không tốt .

Tôi đã từng nói công tác cán bộ có vấn đề từ giai đoạn Đại hội 9, Đại hội 10 của Đảng rồi, nhưng mãi đến gần đây thì mới được đưa ra xử lý.

Cán bộ lãnh đạo giữ trọng trách quan trọng, là người đứng đầu các bộ ngành mà lâu nay ta gọi là Tư lệnh nếu nghiêm túc thì cấp dưới không dám làm sai, nhưng Tư lệnh mà không tốt thì sẽ dẫn tới chuyện cấp dưới làm bậy”.

Đặc biệt cần phải lưu ý nếu ở từng cơ quan nếu người đứng đầu mà không tốt thì rất dễ chọn cán bộ không phải vì cái chung, không đảm bảo đúng tiêu chuẩn, mà có thể sẽ tìm cách này cách khác để lách luật, tạo ra cơ chế riêng bảo vệ cho cái sai ấy. Thực chất đó là việc làm sai với chỉ đạo của Đảng.

Nói như cảnh báo của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Ở nước ta bây giờ đang tồn tại câu chuyện cái gì cũng đúng quy định, quy trình, đúng cho đến lúc có người tố cáo và lãnh đạo Đảng, Chính phủ chỉ đạo làm rõ thì đều phát hiện ra có sai phạm nghiêm trọng”.

Và, theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ngoài vấn đề thay đổi cơ chế, bổ sung những quy định kiểm soát quyền lực thì cũng cần phải phát huy tranh cử để tìm được cán bộ giỏi, có tâm với công việc chung của đất nước.

Nguyễn Hoàng