Chi phí logistics: Lực cản cạnh tranh xuất khẩu

Được coi là 1 trong 3 yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh xuất khẩu Việt Nam, nhưng nhiều năm qua chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam quá cao, đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) trong nước.

Chi phí ngày càng tăng
Theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện logistics (LPI) được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố định kỳ 2 năm/lần, năm 2014 chỉ số LPI của Việt Nam đứng thứ 48/160 quốc gia nghiên cứu xếp hạng và đứng thứ 4 trong ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Tuy nhiên, đến năm 2016 chỉ số LPI tụt xuống bậc 64/160 quốc gia nghiên cứu xếp hạng và vẫn xếp thứ 4 trong ASEAN.
Lý do khiến LPI của Việt Nam tụt hạng do 3 chỉ số xếp hạng như kết cấu hạ tầng, năng lực – chất lượng dịch vụ logistics và khả năng kết nối thông tin đều giảm sâu. Theo đó, công tác quy hoạch tổng thể chưa có, chồng chéo không tạo thuận lợi về hạ tầng cho dòng chảy hàng hóa; thiếu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics và thủ tục chuyên ngành còn phức tạp, đã khiến chỉ số LPI tụt hạng.
Theo Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), với tốc độ tăng trưởng bình quân 16-20%/năm, logistics là ngành có tốc độ tăng cao trong những năm qua. Kết quả nghiên cứu của Viện Nomura (Nhật Bản) cũng chỉ ra rằng, ngành logistics đóng góp khoảng 3% GDP (năm 2014), ngang bằng với Thái Lan khoảng 3% và thấp hơn Singapore khoảng 9,4%.
Tuy nhiên, chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam còn rất cao, tương đương 21% GDP, trong khi với các nước phát triển chi phí này chỉ 10-14% GDP. Trong khi đó, theo WB, chi phí logistics tại Việt Nam đang chiếm 12,2% tổng giá thành hàng hóa xuất khẩu của ngành hải sản, 9,3% ngành dệt may, 29,8% ngành gạo, 11,7% ngành giày da, 29,5% ngành rau quả, 19,8% ngành đồ uống, 22,8% ngành nội thất, và 9,5% ngành cà phê. Trong đó, chi phí vận tải chiếm khoảng 30% tổng chi phí logistics. 
Bên cạnh đó, chi phí không chính thức trong hoạt động logistics của Việt Nam hiện chiếm 13,4% tổng chi phí logistics nội địa. Trong đó chi phí “trà nước” để làm thủ tục hải quan khoảng 21USD, chi phí bồi dưỡng chặng vận tải nội địa khoảng 55,5USD cho 1 container 40 feet.
WB dự báo, chi phí không chính thức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2020 (dựa trên sản lượng container xuất khẩu dự báo khoảng 3,1 triệu) ước tính 242 triệu USD. Một nghiên cứu của VLA vào năm 2015 cũng đưa ra những số liệu đáng quan tâm, như có 33% DN cho rằng chi phí logistics chiếm 5-15% giá trị lô hàng xuất khẩu; 16,67% DN cho rằng chi phí này chiếm 35-45% giá trị lô hàng xuất khẩu.
Cả nước hiện có 3.000 công ty tham gia cung cấp loại hình dịch vụ logistics. Trong số đó có 70% DN có trụ sở tại TPHCM và khoảng 29 công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam. Theo khảo sát nghiên cứu của VLA, có 77,5% công ty logistics cho rằng thủ tục hải quan vẫn là thách thức lớn nhất để giảm chi phí; 46,2% công ty cho rằng cơ sở hạ tầng vận tải thiếu kết nối đang là một cản trở,; 36,2% cho rằng chi phí không chính thức cao là thách thức trong việc cung cấp dịch vụ logistics cho hàng hóa xuất khẩu.
 
Chi phí, logistics, cạnh tranh, xuất khẩu, doanh nghiệp, hoạt động ảnh 1

Chưa thật sự cạnh tranh
Bàn về chi phí logistics hiện nay, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA, đưa thí dụ chi phí logistics 1 container 40 feet xuất khẩu từ Việt Nam đi Los Angeles (Hoa Kỳ) khoảng 2.532USD, trong đó phí khai báo tự động 30USD, phí lưu trữ bảo mật quốc tế 32USD, phí vận đơn 35USD, phí kẹp chì 4USD, phí quản lý bãi 75USD, phí hải quan 70USD, phí bốc xếp hàng 11 USD, phí xếp dỡ tại cảng 130USD, cước vận tải đường bộ 18USD, cước vận tải đường biển 1.960USD.
Điều đáng nói, chi phí logistics nội địa chỉ chiếm khoảng 22,59% tổng chi phí logistics (gồm phí thủ tục hành chính khoảng 5,13%, vận tải đường bộ 7,31%). Như vậy khoảng 77% tổng chi phí logistics của Việt Nam rơi vào tay các nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển nước ngoài. Trong lĩnh vực khai thác cảng, cung cấp dịch vụ kho bãi, các DN nội địa đang nắm ưu thế tuyệt đối nhưng vận tải container quốc tế còn rất yếu, 90% khối lượng vận tải biển quốc tế đang do DN nước ngoài đảm nhiệm.
Có thể thấy chi phí logistics của Việt Nam chưa thật sự cạnh tranh, cụ thể chi phí lưu kho – tồn hàng tại các cảng biển, cảng hàng không do thủ tục của chủ hàng còn cao. Chi phí phát sinh do phải chờ đợi làm thủ tục tại cảng, sân bay năm 2015 ước tính 121 triệu USD, con số này được dự báo sẽ tăng lên 182 triệu USD vào năm 2020.
Nguyên nhân, theo đánh giá của WB do chi phí nhiên liệu cao chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải, lệ phí cầu đường cao, chi phí bốc xếp tại cảng, chi phí không chính thức tăng, chi phí phát sinh do mất cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu, thiếu kết hợp vận chuyển 2 chiều.
Để giảm chi phí logistics tại Việt Nam, theo nhiều chuyên gia cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, giảm thông quan, điều chỉnh lại thị phần vận tải theo hướng giảm tải cho vận tải đường bộ, tăng tỷ lệ vận tải bằng đường sắt và đường thủy. Đồng thời cần phát triển hệ thống vận tải kết nối vùng để giảm chi phí logistics.
Như kết nối khu vực cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải với vùng kinh tế TPHCM bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy, hoặc kết nối vùng ĐBSCL bằng đường thủy nội địa. Việc tăng cường kết nối theo hướng liên kết vùng để sử dụng và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng logistics sẽ tránh tình trạng đầu tư phân mảnh, không phát huy hiệu quả.